80 triệu hay 8 tỉ?

TT - Một dạo, quả trứng gà Trung Quốc gây xôn xao dư luận, tốn khá nhiều giấy mực của báo giới: giá sản xuất trứng gà trong nước 1.200 đồng, trứng Trung Quốc đem bán tại thị trường VN chỉ 600 đồng. Câu hỏi đặt ra: nông dân Trung Quốc đã làm gì để có quả trứng siêu rẻ đó?

Câu chuyện giá trứng Trung Quốc được đem ra mổ xẻ, cái kết luận thoạt nghe tưởng chừng thật đơn giản, song lại ẩn chứa trong đó cả một lối tư duy mới mẻ: từ lâu, người Trung Quốc thường nghĩ về một thị trường ít nhất là 1,4 tỉ dân của mình. Và họ đã áp dụng phương pháp sản xuất đại qui mô để có thể tạo những sản phẩm với giá siêu rẻ, từ quả trứng, que tăm cho đến tivi và cả ôtô, xe máy... Cơn bão giá Trung Quốc từ đó mà hoành hành. Nhiều người trong chúng ta thở dài lo ngại: tính sao cho ra bài toán cạnh tranh?

Chúng ta chưa có những doanh nhân lớn tầm cỡ thế giới và nhiều mặt hàng của ta làm ra giá thành còn quá cao... Phải chăng là vì ta thường nghĩ “lớn” nhưng vẫn chỉ là giải những bài toán “tiểu qui mô” cho một thị trường tưởng là “khổng lồ” nhưng cũng chỉ hơn 80 triệu dân?

Nhưng, đó là chuyện của hôm qua. Ngày hôm nay mọi chuyện đã khác.

Ngày hôm nay, WTO giúp ta tiến sâu hơn vào xã hội mở, mang đến cho ta thị trường lớn hơn trước 100 lần: một thị trường toàn cầu với dân số xấp xỉ 8 tỉ người. Nghĩa là từ nay ta đã bình đẳng hoặc vượt trội so với nhiều quốc gia về qui mô thị trường, khả năng đua tranh trở nên mạnh mẽ hơn 100 lần so với trước.

Ngoài những đe dọa của việc gia nhập WTO thì rõ ràng đây là cơ hội lớn nhất của ta từ trước tới nay. Từ đây, người Việt ta thật sự bắt đầu một nhiệm vụ mới: “Phối hợp với năm châu để cùng giải quyết những vấn đề của thế giới thông qua chuỗi giá trị toàn cầu”.

Truyền thông và giao thông phát triển, cùng với toàn cầu hóa và WTO đã đặt các quốc gia và các doanh nghiệp trong chuỗi phân công lao động toàn cầu. Và trong cái chuỗi giá trị toàn cầu đang được xác lập đó, từng doanh nghiệp và mỗi quốc gia sẽ đóng góp những mắt xích nào?

Chẳng hạn một chiếc ôtô thời toàn cầu hóa sẽ có vỏ ruột xe do Thái Lan sản xuất, sơn xe có nguồn gốc từ Hàn Quốc, các thiết bị điện tử thì của Đức và đặc biệt toàn bộ pittông thì đang do một công ty Nhật sản xuất tại Việt Nam... Hoặc người Việt ta đứng ra thiết lập một chuỗi giá trị toàn cầu nào đó và mời thế giới cùng tham gia vào các mắt xích của chuỗi này...

Liệu rằng, ngày mai, thế giới sẽ nhắc gì khi gọi tên hai chữ “Việt Nam”? Một trung tâm mua sắm như Singapore đang xây dựng, một thiên đường du lịch như Thái Lan đang kỳ vọng, hay một cường quốc về công nghệ phần mềm như Ấn Độ... Có lẽ là không đồng dạng với ai, phải là một cái gì đó nổi bật, riêng biệt nhưng vẫn nằm trong hệ thống giá trị của thế giới.

Vậy các doanh nghiệp VN sẽ phải đua tranh với thế giới ra sao, phải phối hợp với thế giới thế nào để giải quyết tốt những vấn đề chung của thế giới? Chỉ khi biết rõ nhân loại sẽ đi về đâu, chỉ khi nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu, chúng ta mới có cơ hội để phát triển tốt nhất. Từ mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp cho tới mỗi quốc gia muốn tạo ra những giá trị lớn hay nhỏ cũng sẽ phụ thuộc vào hàm lượng chất xám đóng góp trong chuỗi giá trị đó.

Mọi thay đổi đều bắt đầu từ tư duy. Và lối tư duy 80 triệu hay lối tư duy 8 tỉ sẽ quyết định tương lai của chúng ta.

Theo Giản Tư Trung / Tuổi Trẻ

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 372