"Bán than, Mua lạc" và câu chuyện nhìn xuyên khủng hoảng

Với bối cảnh mới và nhận thức mới, câu chuyện mà các doanh nhân nói với nhau ở những ngày đầu Xuân Nhân Thìn năm nay có nhiều điểm khác biệt so với thường lệ...

Tư duy và nhận thức lại khủng hoảng

Viễn cảnh của bức tranh kinh tế năm 2012 đang được nhiều chuyên gia vẽ ra một cách không mấy sáng sủa: Thế giới thì kinh tế tiếp tục thoái trào, trong nước thì bất ổn vĩ mô, nợ công đang ở mức báo động, lạm phát cao, năng lực cạnh tranh và hội nhập của nền kinh tế thấp…

Trong bối cảnh như vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng cần phải tư duy lại khủng hoảng. Theo đó, sẽ không còn kiểu khủng hoảng hình chữ V (nền kinh tế lao dốc, chạm đáy và từ từ phục hồi, tăng trưởng) như thường thấy trong lịch sử. Thay vào đó, xuất hiện một hình thái mới mang dáng dấp chữ U (kinh tế chạm đáy và duy trì trạng thái “đáy” trong một khoảng thời gian dài rồi mới phục hồi).

Nghĩa là, khủng hoảng giờ đây không còn là câu chuyện của 1 năm, 2 năm như trước, mà sẽ có thể là 3 năm, 5 năm, thậm chí còn kéo dài lâu hơn nữa!

Bối cảnh mới như vậy đòi hỏi doanh nhân phải có tư duy mới, năng lực mới, mà việc đầu tiên cần phải làm ngay là chuyển từ tâm thế “bán than” (than vãn, bi quan, chán nản) sang tâm thế “mua lạc” (lạc quan, tích cực và sẵn sàng đối mặt với khó khăn, khủng hoảng).

Nói như vậy không có nghĩa là hễ cứ muốn lạc quan là được. Lạc quan không phải là trạng thái tự kỉ ám thị theo kiểu phép “thắng lợi tinh thần” mà đó là cả một quá trình từ hiểu rõ và chấp nhận thực trạng đến biết mình cần phải làm gì và làm như thế nào để vượt qua khó khăn.

Cụ thể, doanh nhân lạc quan là người nhìn xuyên qua khủng hoảng, thay vì bi quan, bất lực ngồi “bán than” để đợi kinh tế tăng trưởng thì sẽ biết mình phải trang bị gì, chuẩn bị gì để đón đầu thời điểm phục hồi, thậm chí biết chớp cơ hội ngay trong khủng hoảng, vì “trong nguy luôn có cơ”. Ngay cả khi kinh tế tăng trưởng thì cũng không thể đảm bảo là “sức khỏe” doanh nghiệp sẽ phục hồi vì tình hình lúc đó đã khác mà nếu không chuẩn bị và thay đổi thì doanh nghiệp khó có thể tận dụng được cơ hội.

Hy vọng cho điều tốt đẹp nhất, chuẩn bị cho thứ tồi tệ nhất

Trước đây, cứ mỗi độ Xuân về, doanh nghiệp nào cũng quyết tâm và hào hứng lên kế hoạch cho một năm nhiều hứa hẹn với mục tiêu, hoài bão, tăng trưởng… Còn năm nay, câu chuyện sao mà thâm trầm và điềm đạm! Nhiều người gần như không nghi ngờ gì nữa về một giai đoạn khó khăn, bão táp đang tới và cùng bàn tính về cách thức ứng phó, tồn tại.

Hay nói cách khác, lúc này, giới kinh doanh không chỉ “Hy vọng về điều tốt đẹp nhất” (“Hope for the Best”), mà mỗi người còn nói nhiều về sự “Chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất” (“Prepare for the Worst”) để có những hành xử phù hợp với mọi tình hình, mọi kịch bản có thể diễn ra.

Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là tạo ra nó và cách tệ nhất để dự đoán tương lai là trốn tránh nó” - Alan Kay, một trong những cha đẻ của máy tính xách tay và mạng Internet, đã khẳng định như vậy từ những năm 70 của thế kỷ trước.

Đúng vậy, tạo ra tương lai chính là việc gầy dựng cho mình một tâm thế nhìn xuyên qua khủng hoảng, chấm dứt “bán than” nhưng cũng không phải cứ ngồi chờ và hi vọng mà phải bắt đầu ngay quá trình chuẩn bị, ứng phó và chớp cơ hội.

Làm được như vậy cũng chính là lạc quan, là bắt đầu tạo ra tương lai tốt đẹp cho mình và cho doanh nghiệp mình!

QUẢN TRỊ TƯƠNG LAI

“Thế giới tốt đẹp nhất - Thế giới tồi tệ nhất” là một kĩ năng quan trọng của quản trị tương lai. Với kĩ năng này, cho dù bất kì thay đổi hoặc biến cố gì xảy ra thì doanh nghiệp cũng luôn ở trong trạng thái chuẩn bị kỹ càng. Kĩ thuật này rất đơn giản với việc đặt ra và trả lời thỏa đáng 4 câu hỏi sau: 1/ Những kết quả tốt nhất doanh nghiệp có thể đạt được là gì? 2/ Đâu là những kịch bản tồi tệ nhất có thể? 3/ Doanh nghiệp có thể đột phá trong bối cảnh tốt đẹp nhất không? 4/ Doanh nghiệp liệu có thể tồn tại trong bối cảnh tồi tệ nhất không?

(Trích “Quản trị tương lai: Dự báo thế giới tốt nhất và thế giới tồi nhất” của Robert Heller, tác giả - diễn giả hàng đầu của Anh về quản trị - kinh doanh. Vui lòng đọc bản dịch đầy đủ bài viết này tại website PACE: www.PACE.edu.vn)

(Trường PACE)

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 372