Báo cáo tài chính là gì? Các loại BCTC và quy định mới 2024

Báo cáo tài chính cung cấp thông tin tài chính về doanh nghiệp hữu ích cho các nhà đầu tư và những đối tượng liên quan trong việc đưa ra quyết định đầu tư. Báo cáo tài chính là một trong những phần quan trọng nhất của việc đưa ra những con số đo lường, so sánh được và có tính chính xác.

Báo cáo tài chính là gì?

Báo cáo tài chính (Financial Reporting) là một hệ thống gồm những thông tin liên quan đến tài chính trong khoảng thời gian cụ thể của một doanh nghiệp, được trình bày theo quy chuẩn, quy định, chuẩn mực kế toán. Bằng cách đó, doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin về tài sản, dòng tiền, vốn, nợ, thu chi,...

Báo cáo tài chính áp dụng cho tất cả các lĩnh vực, loại hình doanh nghiệp theo quy định của Pháp luật Việt Nam. Tất cả các doanh nghiệp đều có nghĩa vụ lập, nộp BCTC chính xác, đúng hạn, tuân theo quy định của Pháp luật về kế toán, thống kê.

Báo cáo tài chính (Financial Reporting) là một hệ thống gồm những thông tin liên quan đến tài chính trong khoảng thời gian cụ thể của một doanh nghiệp, được trình bày theo quy chuẩn, quy định, chuẩn mực kế toán

Báo cáo tài chính bao gồm những gì?

Báo cáo thu nhập

Báo cáo thu nhập trình bày tóm tắt về doanh thu, tài sản và lợi nhuận của doanh nghiệp trong một thời gian cụ thể. Báo cáo này được xem xét kỹ lưỡng nhất trong số các báo cáo khác nhau, bởi nó cho thấy kết quả hoạt động tài chính của một thực thể. Báo cáo thu nhập được trình bày theo một trình tự nhất định, từ tổng quát đến chi tiết, giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Báo cáo thu nhập có thể bao gồm các nội dung sau:

  • Doanh thu: Là toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh thu được chia thành doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, doanh thu hoạt động tài chính, doanh thu từ các hoạt động khác.
  • Chi phí: Là toàn bộ số tiền đã chi ra để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí được chia thành chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
  • Lãi, lỗ: Là chênh lệch giữa doanh thu và chi phí. Lãi là khi doanh thu lớn hơn chi phí, lỗ là khi chi phí lớn hơn doanh thu.

Bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán trình bày cái nhìn tổng quan về tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của cổ đông trong một doanh nghiệp vào một ngày cụ thể. Nó có thể được sử dụng để kiểm tra tính thanh khoản của doanh nghiệp. Bảng cân đối kế toán được chia thành hai phần:

  • Phần tài sản bao gồm tất cả những gì doanh nghiệp sở hữu, bao gồm tài sản lưu động và tài sản cố định.
  • Phần nợ phải trả và vốn chủ sở hữu bao gồm tất cả những gì doanh nghiệp nợ và những gì thuộc sở hữu của chủ sở hữu doanh nghiệp.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ trình bày một cái nhìn tổng hợp về các luồng tiền của một doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động, tài chính và đầu tư trong một kỳ kế toán, được phân chia thành ba hoạt động chính:

  • Hoạt động kinh doanh: Phản ánh các luồng tiền vào và luồng tiền ra liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, như thu tiền bán hàng và cung cấp dịch vụ, chi tiền mua hàng, chi tiền lương, chi tiền thuê nhà,...

  • Hoạt động đầu tư: Phản ánh các luồng tiền vào và luồng tiền ra liên quan đến việc mua bán, thanh lý tài sản cố định, đầu tư vào các công ty con,...

  • Hoạt động tài chính: Phản ánh các luồng tiền vào và luồng tiền ra liên quan đến việc vay nợ, trả nợ, phát hành cổ phiếu,...

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cung cấp thông tin quan trọng về khả năng tạo ra tiền, khả năng thanh toán và khả năng sử dụng tiền để đầu tư, mở rộng hoạt động của doanh nghiệp.

Thuyết minh báo cáo tài chính

Đây là mục được đính kèm trực tiếp trong báo cáo tài chính, phân tích những số liệu, thông tin đã được trình bày ở 3 báo cáo trên. Bản thuyết minh báo cáo tài chính mang tính tường thuật thông tin theo quy chuẩn, chuẩn mực kế toán cần phải trình bày một cách trung thực, thể hiện những thông tin, cơ sở để lập báo cáo tài chính, chính sách kế toán được chọn,...

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (hay còn gọi là báo cáo thu nhập, báo cáo lãi và lỗ) là một báo cáo tài chính phản ánh tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán cụ thể. Báo cáo này cung cấp thông tin về doanh thu, chi phí, lãi lỗ của doanh nghiệp, giúp các nhà quản lý, nhà đầu tư, các bên liên quan đánh giá được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu

Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu thể hiện sự thay đổi của vốn chủ sở hữu trong một kỳ nhất định một cách ngắn gọn và cụ thể nhất. Theo đó, vốn chủ sở hữu có thể tăng hoặc giảm: Tăng phát sinh do chủ sở hữu đầu tư và lãi thuần tăng trong kỳ, Giảm do chủ sở hữu rút vốn hay từ lỗ thuần trong kỳ.

Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu cung cấp thông tin về những thay đổi trong vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ, từ đó giúp người sử dụng báo cáo tài chính có thể hiểu rõ hơn về nguồn gốc của vốn chủ sở hữu và tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Thành phần của báo cáo tài chính

Mục đích của báo cáo tài chính

Theo Điều 97, Thông tư 200/2014/TT-BTC, mục tiêu của báo cáo tài chính bao gồm:

  • Cung cấp thông tin tình hình tài chính, kinh doanh và dòng tiền của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ sở hữu doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước cũng như nhu cầu hữu ích của người sử dụng trong việc đưa ra quyết định kinh tế. Báo cáo tài chính cũng đồng thời phải cung cấp thông tin về tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí sản xuất kinh doanh, lãi - lỗ, phân chia kết quả kinh doanh,...

  • Cung cấp các thông tin liên quan khác trong “Bản thuyết minh Báo cáo tài chính” với mục đích giải trình thêm về chỉ tiêu đã phản ánh trên các Báo cáo tài chính tổng hợp, các chính sách kế toán đã áp dụng nhằm ghi nhận nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày báo cáo tài chính.

Vai trò của báo cáo tài chính

Các báo cáo tài chính không chỉ quan trọng đối với ban lãnh đạo hay nhà đầu tư để đánh giá sự ổn định tài chính của doanh nghiệp, mà chúng còn được yêu cầu bởi luật thuế và thông lệ kế toán tiêu chuẩn. Vai trò của báo cáo tài chính phải kể đến như:

Giúp đưa ra quyết định tài chính tốt hơn

Phân tích và hiểu các báo cáo tài chính là chìa khóa khi doanh nghiệp cần đưa ra quyết định quan trọng. Báo cáo tài chính cho phép nhà quản lý xác định các xu hướng, rào cản tiềm ẩn và chủ động theo dõi hiệu suất tài chính của họ trong thời gian thực. Luôn cập nhật các báo cáo tài chính sẽ cung cấp cho doanh nghiệp nền tảng cần thiết để đưa ra các quyết định kinh tế nhanh chóng và đúng đắn khi thời điểm đến.

Quản lý nợ

Báo cáo tài chính cung cấp cho chủ doanh nghiệp và nhà quản lý cái nhìn sâu sắc, trực tiếp về tài sản và nợ hiện tại của công ty. Ngoài ra, còn về cách họ nên quản lý hiệu quả khoản nợ tồn đọng trong tương lai. 

Đơn giản hóa thuế

Báo cáo tài chính được Pháp luật yêu cầu cho mục đích thuế, giúp đánh giá thuế thu nhập của công ty. Báo cáo tài chính chính xác sẽ giảm thiểu rủi ro sai sót và tiết kiệm rất nhiều thời gian, giảm bớt gánh nặng tổng thể đi kèm với việc nộp thuế của doanh nghiệp mỗi năm.

Đảm bảo tuân thủ Pháp luật

Báo cáo tài chính chính xác có thể cải thiện hiệu quả tài chính của doanh nghiệp, đồng thời nó cũng đảm bảo công ty tuân thủ luật pháp và các quy định do cơ quan chính phủ yêu cầu. 

Minh bạch tài chính

Các bên liên quan bên ngoài phải nghiên cứu tình hình tài chính của công ty trước khi họ quyết định đầu tư. Báo cáo tài chính là một cách tuyệt vời để thể hiện tính toàn vẹn về tài chính của doanh nghiệp và tạo niềm tin với các nhà đầu tư, khách hàng tiềm năng.

Ngoài ra, báo cáo tài chính còn đóng vai trò quan trọng trong việc:

  • Là cơ sở để phát hiện tiềm năng thị trường, dự đoán xu hướng hoạt động của doanh nghiệp nhằm đưa ra những quyết định chiến lược, có hiệu quả
  • Phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư sao cho phù hợp
  • Giúp đội ngũ lao động hiểu được tình hình tài chính doanh nghiệp, khả năng phát triển trong tương lai, khả năng thanh toán, chi trả của doanh nghiệp nhằm có những quyết định phù hợp trong công việc

Vai trò của báo cáo tài chính

Thời hạn nộp báo cáo tài chính theo quy định

Căn cứ theo Điều 29 khoản 3 của Luật kế toán 2015, quy định thời hạn nộp báo cáo tài chính với mỗi loại hình doanh nghiệp là khác nhau:

Doanh nghiệp Nhà nước

  • Thời hạn nộp báo cáo tài chính: Chậm nhất là 20 ngày từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý. Đối với các công ty mẹ, doanh nghiệp Nhà nước có thời hạn nộp chậm nhất là 45 ngày. Các đơn vị kế toán trực thuộc doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước cần nộp Báo cáo tài chính cho công ty mẹ theo thời hạn do công ty mẹ quy định.
  • Thời hạn nộp báo cáo tài chính năm: Chậm nhất là 30 ngày từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Đối với các công ty mẹ, tổng công ty Nhà nước có thời hạn nộp chậm nhất là 90 ngày, các đơn vị kế toán trực thuộc cần nộp báo cáo tài chính cho công ty mẹ theo thời hạn quy định.

Đối với các doanh nghiệp khác

  • Doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh nộp chậm nhất là 30 ngày từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm, đối với các đơn vị kế toán khác chậm nhất là 90 ngày.
  • Đơn vị kế toán trực thuộc nộp báo cáo tài chính năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn đã quy định.

Thời hạn nộp báo cáo tài chính theo quy định

Đối tượng sử dụng báo cáo tài chính

Nhóm đối tượng bên trong doanh nghiệp

Ban lãnh đạo, các nhà quản lý lấy báo cáo tài chính làm cơ sở để thiết lập mục tiêu, xem xét, ra quyết định, đồng thời điều chỉnh các hoạt động nhằm tối ưu hóa kinh doanh, mang lại hiệu quả, giá trị cho doanh nghiệp. 

Nhóm đối tượng bên ngoài doanh nghiệp

  • Nhà đầu tư (cổ đông): Xem xét khả năng tạo ra doanh thu, mức độ an toàn của vốn đầu tư, khả năng trả lãi, phân chia lợi nhuận nhằm đưa ra quyết định
  • Nhà cung cấp, người cho vay: Xem xét khả năng thanh toán, sự ổn định tài chính trong dài hạn của doanh nghiệp. Thông tin trong báo cáo tài chính giúp họ quyết định xem có nên mở rộng quan hệ tín dụng không, có nên tiếp tục cho vay hoặc cho trả chậm hàng hóa/ dịch vụ không
  • Cơ quan chức năng: Xem xét xem doanh nghiệp có tuân thủ quy định, luật lệ hay không, đồng thời giúp cơ quan tài chính kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp, xác định số thuế mà doanh nghiệp đó phải nộp, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng
  • Kiểm toán viên độc lập: Kiểm tra và cho ý kiến của mình về tính trung thực, hợp lý của thông tin trên báo cáo tài chính.

Phân loại báo cáo tài chính

Dựa vào cách phân loại báo cáo tài chính, thiết lập và trình bày theo cơ sở nội dung phản ánh thì báo cáo tài chính có hai loại:

  • Báo cáo tài chính hợp nhất: Tổng hợp toàn bộ tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp, gồm cả công ty mẹ quản lý và các công ty con trong cùng hệ sinh thái, kể cả các công ty liên kết.
  • Báo cáo tài chính riêng lẻ: Thể hiện tình hình tài chính, kinh doanh của một doanh nghiệp.

Theo thời điểm lập báo cáo thì sẽ có hai loại:

  • Báo cáo tài chính hằng năm: Được thiết lập và tính theo số năm dương lịch hoặc kỳ kế toán hằng năm, đảm bảo tròn 12 tháng sau khi có thông báo của cơ quan thuế. Doanh nghiệp được phép thay đổi giữa hai kỳ kế toán năm tài chính cũ và năm mới.
  • Báo cáo tài chính giữa niên độ: Báo cáo được lập cho 4 quý của năm tài chính cùng báo cáo tài chính bán niên. Loại báo cáo này được xây dựng theo một mẫu cụ thể dưới dạng tóm lược nhưng đảm bảo đầy đủ. Với các doanh nghiệp Nhà nước hoặc công ty niêm yết bắt buộc, cần lập báo cáo tài chính giữa niên độ, đối với các loại hình doanh nghiệp khác thì không bắt buộc.

Phân loại báo cáo tài chính

Nguyên tắc thiết lập và trình bày báo cáo tài chính

  1. Cơ sở dồn tích
  2. Hoạt động liên tục
  3. Nhất quán
  4. Trọng yếu và tập hợp
  5. Bù trừ
  6. Có thể so sánh

Cơ sở dồn tích

Theo nguyên tắc này, báo cáo tài chính cần phải thể hiện được tài sản, nợ, nguồn vốn chủ sở hữu, các khoản thu nhập và chi phí được ghi sổ trong quá trình phát sinh ở các niên độ kế toán mà chúng có liên quan.

Hoạt động liên tục

Để thiết lập được báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải đánh giá được khả năng kinh doanh liên tục của mình. Trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu phá sản, bị giảm phần lớn quy mô kinh doanh hoặc có những nhân tố gây ảnh hưởng lớn tới khả năng sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn áp dụng các nguyên tắc liên tục vẫn phù hợp thì cần phải diễn giải một cách cụ thể.

Nhất quán

Các khoản mục trong báo cáo tài chính cần được trình bày, phân loại một cách nhất quán giữa các niên độ, nhằm thống nhất và có thể so sánh được các thông tin. Trong trường hợp có thay đổi, doanh nghiệp cần thông báo trước và giải trình trong thuyết minh báo cáo tài chính.

Trọng yếu và tập hợp

Các thông tin trọng yếu trong báo cáo tài chính cần trình bày rõ ràng và riêng biệt. Đối với những thông tin không quan trọng thì có thể tổng hợp và trình bày một cách tổng quát.

Bù trừ

Báo cáo tài chính không được bù trừ giữa tài sản và các khoản công nợ, giữa thu nhập với chi phí. Nếu vẫn tiến hành bù trừ giữa các khoản này thì phải dựa trên cơ sở tính trọng yếu, đồng thời diễn giải cụ thể trong thuyết minh báo cáo tài chính.

Có thể so sánh

Các số liệu sử dụng cho việc so sánh giữa các kỳ trong báo cáo tài chính cần trình bày tương ứng với nhau. Để giúp người sử dụng hiểu rõ các báo cáo tài chính, thông tin so sánh phải có nội dung diễn giải bằng lời.

Các nguyên tắc trên có mối liên hệ mật thiết và bổ sung cho nhau. Trong quá trình lập báo cáo tài chính, doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện chúng đồng thời với nhau. Đây chính là cơ sở để báo cáo tài chính cung cấp sử dụng những thông tin đầy đủ, đáng tin cậy và phù hợp với yêu cầu người sử dụng trong việc ra quyết định.

Nguyên tắc thiết lập và trình bày báo cáo tài chính

Quy trình lập báo cáo tài chính

Bước 1: Sắp xếp các chứng từ kế toán

Sắp xếp các chứng từ kế toán là bước đầu tiên trong quy trình lập một báo cáo tài chính. Với công việc này, cần thực hiện tỉ mỉ và đảm bảo đúng trình tự, tạo sự thuận tiện cho việc kê khai, kiểm tra báo cáo.

Bước 2: Hạch toán nghiệp vụ kinh tế phát sinh

Để đảm bảo tính hợp lệ, hợp pháp của các chứng từ, bộ phận kế toán phải kiểm tra kỹ lưỡng những chứng từ đã sắp xếp trước đó. Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh có thể là phiếu thu, phiếu xuất kho, phiếu nợ,...

Bước 3: Phân loại các nghiệp vụ phát sinh theo tháng hoặc quý

Việc phân loại các nghiệp vụ phát sinh cần được phân loại rõ ràng, đảm bảo việc kê khai báo cáo tài chính đúng chuẩn, bao gồm các chi phí trả trước, chi phí khấu hao,...

Bước 4: Rà soát, tổng hợp nghiệp vụ phát sinh theo từng nhóm tài khoản

Để có thể tổng hợp thông tin kê khai một cách đầy đủ và chính xác, việc rà soát và tổng hợp lại nghiệp vụ phát sinh theo từng nhóm tài khoản phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng. Các nhóm tài khoản có thể rà soát phải kể đến như nhóm hàng tồn kho, các khoản đầu tư, nhóm công nợ phải trả và phải thu, tài sản cố định, doanh thu, giá vốn,...

Nếu phát hiện ra sai sót, bộ phận kế toán phải tìm hiểu kỹ lưỡng nguyên nhân, đồng thời điều chỉnh ngay để tránh bỏ sót, đảm bảo tính chính xác khi kê khai báo cáo tài chính.

Bước 5: Bút toán tổng hợp, kết chuyển doanh thu

Bút toán kết chuyển doanh thu, chi phí, kết chuyển lỗ lãi nhằm đảm bảo không có số dư cuối kỳ.

Bước 6: Lập báo cáo tài chính

Kế toán viên tiến hành thiết lập báo cáo tài chính theo quy định trên phần mềm HTKK để hoàn tất kê khai.

Sau khi hoàn thiện 6 bước này, doanh nghiệp sẽ tiến hành nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, lưu ý phải in ấn và lưu hồ sơ.

Quy trình lập báo cáo tài chính

Một số câu hỏi thường gặp về báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính có giá trị pháp lý hay không?

Theo Khoản 4, 18 Điều 3, Khoản 1 Điều 14 Luật kế toán 2015 thì Báo cáo tài chính (thuộc một phần của tài liệu kế toán) có giá trị pháp lý.

Tại sao cần báo cáo tài chính? 

Báo cáo tài chính có ý nghĩa quan trọng không chỉ cho các doanh nghiệp, mà còn cả với các bên liên quan và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Báo cáo tài chính phản ánh minh bạch tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, giúp các nhà quản trị đánh giá khách quan về sức mạnh tài chính, khả năng sinh lời, triển vọng phát triển của doanh nghiệp.

Có thể nộp báo cáo tài chính bổ sung không? 

Trường hợp báo cáo tài chính bị sau thì được phép bổ sung và nộp lại, với điều kiện là trước khi cơ quan thuế có quyết định thanh kiểm tra.

Nộp báo cáo tài chính ở đâu? 

Doanh nghiệp thực hiện nộp báo cáo tài chính cho: Cơ quan thuế, Cơ quan thống kê, Cơ quan đăng ký kinh doanh, Doanh nghiệp cấp trên (nếu có). Còn đối với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cần nộp thêm cho cả cơ quan tài chính. Trường hợp doanh nghiệp có tham gia thị trường chứng khoán cần nộp thêm cho Ủy ban Chứng khoán.

Báo cáo tài chính là cách các doanh nghiệp truyền đạt dữ liệu tài chính cho các bên liên quan bên ngoài và bên trong. Các bên liên quan bên ngoài như cơ quan chức năng, cổ đông, nhà đầu tư cũng như người cho vay, sử dụng báo cáo tài chính để đưa ra kết luận về sức khỏe tài chính hiện tại và tương lai của doanh nghiệp. Báo cáo tài chính có thể là một hệ thống phức tạp để đưa vào sử dụng, nhưng đây vẫn là một quá trình cần thiết để điều hành doanh nghiệp thành công.

Chương trình đào tạo

TÀI CHÍNH DÀNH CHO LÃNH ĐẠO
Finance For Leaders

Khóa học tài chính dành cho lãnh đạo tại PACE giúp nhà quản lý góc nhìn tổng quan về tài chính và biết cách hoạch định, tổ chức quản trị tài chính doanh nghiệp hiệu quả.

Vui lòng xem thông tin chương trình
tại đây

Chương trình đào tạo

ĐỌC HIỂU BÁO CÁO TÀI CHÍNH
Understanding Financial Statements

Khóa học đọc hiểu phân tích báo cáo tài chính được PACE thiết kế đào tạo, giúp học viên phân tích sơ lược BCTC để quyết định kinh doanh hay đầu tư phù hợp.

Hiểu rõ Báo cáo kết quả kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Bảng cân đối kế toán;

Vui lòng xem thông tin chương trình
tại đây

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 371