Để sách tiên phong trong cuộc khai minh

TTCT - Giải thưởng Sách hay lần 2 vừa được trao hôm 20-9 với chủ đề năm nay là “Sách và khai minh” như một sự kỳ vọng vào nỗ lực chấn hưng tinh thần khai sáng, cũng như tạo lập những giá trị nền tảng cốt yếu mà xã hội Việt Nam đang cần. Ông Giản Tư Trung - viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển giáo dục (IRED), thành viên hội đồng trao giải của Giải thưởng Sách Hay - vừa có cuộc trao đổi với TTCT.

Sách mà nhà giáo dục muốn làm

Chọn sách cũng là chọn giá trị, chọn thông điệp, chọn hướng đi. Công cuộc khai minh phải bắt đầu từ sự khai mở về trí tuệ và tâm hồn của mỗi người, rồi bằng nhiều cách lan tỏa và chia sẻ, cộng đồng cũng sẽ được khai minh.

* Khái niệm khai minh trong chủ đề giải Sách Hay lần này thật ra là gặp lại từ gần 100 năm trước, lúc những bậc thức giả tiền bối của Việt Nam bắt tay làm một cuộc canh tân có tên là Ðông Kinh nghĩa thục. Bây giờ, khai minh có những giá trị mới nào không? Việc làm sách hiện nay tại Việt Nam có hướng đến việc khai minh không, thưa ông? 

- Chủ đề của giải năm nay là khai minh, nên các sách được chọn sẽ hướng đến tính khai minh này. Nói chung, người được khai minh là người có cái đầu có khả năng minh định, phân biệt được các giá trị quan trọng, các vấn đề còn ngổn ngang trong xã hội ngày nay, họ có cả trái tim xúc cảm, có lòng trắc ẩn... Điều đáng sợ nhất là, nếu trong một xã hội còn có quá nhiều cái đầu vô minh và trái tim vô cảm, thì sẽ dễ dẫn đến sự lẫn lộn các giá trị cơ bản, nhất là những giá trị về con người, về công dân, về công việc... Nội dung khai minh của Giải thưởng Sách Hay cũng được thể hiện qua việc gợi mở những xu hướng làm sách, viết sách, dịch sách và đọc sách tiến bộ trong cộng đồng xã hội.

Trong hoạt động xuất bản hiện nay có thể hình dung có bốn nhóm đối tượng làm sách: đầu nậu làm sách, con buôn làm sách, doanh nhân làm sách và nhà giáo dục làm sách. Đầu nậu thì chuyên ăn cắp tác quyền của người khác rồi xuất bản lậu để kiếm tiền; Con buôn thì có thể không làm sách lậu, nhưng sách nào bán chạy là cứ làm chứ không cần quan tâm là sách đó có tổn hại đến văn hóa và văn minh của xã hội hay không; Doanh nhân làm sách thì họ cũng kinh doanh sách và coi sách là một mặt hàng, nhưng họ chỉ kinh doanh những sách nào có lợi cho nền tri thức-văn hóa xã hội và không bán những sách độc hại, sách rác.

Còn nhà giáo dục thì làm sách với mục tiêu là khai minh xã hội, giáo dục xã hội. Sách mà nhà giáo dục làm thì không phải là đáp ứng nhu cầu hay thị hiếu nhất thời của xã hội, mà cao hơn là tìm cách nâng cái thị hiếu của xã hội lên. Nhà giáo dục họ nhìn thấy xã hội đang gặp vấn đề gì, và cần sách gì để giải quyết những vấn đề đó thì họ sẽ tạo ra những cuốn sách, những bộ sách, hệ thống sách để giải quyết những vấn đề đó, bất kể là làm những cuốn sách đó có bán được ở hiện tại hay không.

* Một trong những nội dung do Sách Hay khởi xướng và theo đuổi là làm lan tỏa tri thức. Nhưng thực tế cho đến nay thì các sách kinh điển có số lượng in không nhiều, người đọc thật sự và người có thể ứng dụng thực tế chắc cũng không cao. Sách Hay sẽ làm gì để góp phần cụ thể cải thiện tình hình? 

- Hồi xưa, đa số người ta ít đọc sách vì không có sách để mà đọc, còn bây giờ thì ngược lại, sách nhiều quá nên không biết đọc sách nào, vì với nhiều người thật khó mà hình dung hay phân biệt được sách hay, sách rác, sách thật, sách giả trong biển sách mênh mông như hiện nay. Chúng ta có thể thấy, ngày nay, làm ra sách hay đã vô cùng khó, việc đưa được sách hay đến với đông đảo công chúng lại còn khó khăn hơn. Do đó, sự ra đời một “màng lọc” để giúp công chúng có thểm kênh để tiếp cận những đầu sách có giá trị là rất cần thiết. Giải thưởng Sách Hay cũng góp phần thực hiện vai trò này, và hơn hết là cần phải tạo được niềm tin để mọi người đến với sách ngày một nhiều hơn.

Hiện tại, Dự án Sách Hay có một số hoạt động để lan tỏa tri thức và quảng bá văn hóa thông qua sách như: Tổ chức các hội thảo “sách và chấn hưng văn hóa”, “Sách và chấn hưng giáo dục”, “sách và chấn hưng khoa học”, “sách và chấn hưng nghệ thuật”, “Tết đọc sách của người Việt”, vận động hình thành “Ngày đọc sách quốc gia Việt Nam” 23/4 hàng năm,... Ngoài ra, Dự án còn triển khai các hoạt động tuyển chọn và giới thiệu sách trên website www.SachHay.org (trang nhà của Dự án Sách Hay) với 4 cấp độ tuyển chọn khác nhau: (1) Cá nhân độc giả chia sẻ sách hay với mọi người; (2) Cá nhân các chuyên gia giới thiệu sách; (3) Hội đồng chuyên gia cùng tuyển chọn và giới thiệu sách trong từng lĩnh vực khác nhau (trong thời gian tới chúng tôi sẽ triển khai giới thiệu khoảng “100 tủ sách chuyên đề” như thế cho 100 lĩnh vực khác nhau); và (4) Giải thưởng Sách Hay hằng năm.

Chủ trương của chúng tôi là "Những người hiểu biết bậc nhất trong từng lĩnh vực sẽ tuyển chọn và giới thiệu sách hay trong lĩnh vực đó cho phần còn lại của xã hội". Hy vọng từ cách này, những cuốn sách hay, sách quý sẽ được sàng lọc và tri thức sẽ được lan tỏa trong thực tế.

Những chuyển động sau giải thưởng Sách Hay lần 1 là tích cực. Cụ thể là sau khi trao giải hai tuần, các sách đoạt giải đều có phản hồi bán chạy và thậm chí là hết sách. Đặc biệt là cuốn Khuyến học của Fukuzawa Yukichi, trước khi đoạt giải thì ít ai biết, nhưng sau đó thì cả ba đơn vị làm quyển này đều ghi nhận sách bán chạy và phải tái bản. Hay như cuốn Dân chủ và giáo dục(John Dewey) cũng bán rất chạy. Sở dĩ có được điều này là nhờ vào sự hỗ trợ rất lớn của báo giới, của những độc giả mê sách đã đồng hành với các hội đồng giải thưởng.

Sách cũ cũng có thể được giải

* Có một thực tế là nếu một giải thưởng thật sự chọn được các sách uy tín cho công chúng, thì càng ngày giải thưởng (và đơn vị sở hữu giải thưởng) ấy càng có uy tín. Sách hay có dự định khai thác uy tín này trong tương lai? 

- Chúng tôi đang nỗ lực kêu gọi tài trợ để có thể in tái bản các sách đoạt giải và phát hành rộng rãi, giá ưu đãi cho bạn đọc, nhất là ở những vùng thật sự thiếu thốn. Ngoài ra, Sách Hay cũng sẽ mở rộng một số chương trình đưa sách đến các nơi như đã làm lâu nay. Để triển khai hoạt động này, từ năm 2008 chúng tôi đã triển khai chương trình “Một cuốn sách” (OneBook). Chương trình có chủ trương là “Mỗi người hãy gửi tặng ít nhất một cuốn sách cho đồng bào vùng khó”. Lâu nay chúng tôi cũng đã tổ chức đưa sách đến với vùng sâu, sách cho Trường Sa, và cả đưa sách về trại giam nữa. Hiện chương trình “Một cuốn sách” đã tặng 5 thư viện cho 5 trại giam khác nhau ở cả 3 miền.

Gần đây tôi được biết ở Brazil có tổ chức cho tù nhân đọc sách trong trại giam để giảm án. Chúng tôi cũng đang suy nghĩ về những ý tưởng là liệu có cách nào đó phối hợp cùng Bộ Công An và Ban quản lý của các trại giam để triển khai những câu lạc bộ đọc sách trong trại giam với mục tiêu là “đọc sách để được giảm án”. Nếu có thể triển khai được chương trình này thì thật tuyệt vời, vì vừa giúp đào tạo phạm nhân, vừa tránh rủi ro cho xã hội khi họ tái hòa nhập cộng cộng. Chúng tôi cho rằng, nhà tù chỉ phải là nơi giam giữ phạm nhân, mà là một trường học đặc biệt, và nhà tù không chỉ là nơi trừng phạt con người mà còn là nơi cải tạo con người. Mà đã là trường học, đã là nơi cải tạo thì phải có sách và phải đọc sách... Đó như là chuyện hiển nhiên.

* Trong số các giải thưởng Sách Hay năm nay có một giải mới, gọi tên là "Dấu ấn mới". Như thế nào là Dấu ấn mới?

- Đây là giải thưởng dành cho những quyển sách có giá trị, mới xuất bản, chưa từng được giải gì, nhưng nội dung sách có chứa đựng quan điểm, góc nhìn có tính đột phá để hướng đến giải quyết hay giải mã một vấn đề gì đó cho xã hội. Giải này năm nay do hội đồng trao giải chọn, quyển sách đầu tiên nhận giải Dấu ấn mới là Có 500 năm như thế của tác giả Hồ Trung Tú. Giải này sinh ra như cách tiếp sức cho một đầu sách mới, không giới hạn lĩnh vực nội dung. Và cũng như các giải khác, nếu kỳ nào tìm không ra sách nào đủ tiêu chuẩn thì sẽ không trao giải.....

* Nhưng cũng có khi người ta thấy Sách Hay trao giải cho một quyển rất cũ...

- Đó là vấn đề thông điệp. Nói chung các sách được chọn của Sách Hay thường mang ba đặc tính: tính phát hiện, tính khai minh và tính thông điệp. Có khi trao giải cho một quyển sách cũ, nhưng cuốn sách đó lại mang một thông điệp rất mới, rất thời sự. Ngoài ra, có những cuốn sách rất có giá trị của Việt Nam và thế giới nhưng đã bị thời nay lãng quên thì giải thưởng cũng góp phần làm cho những giá trị này sống lại và lan rộng. Khi hầu hết mọi người đã quên mà mình nhắc lại thì có thể vẫn cứ mới. Và sách được chọn của Sách Hay trước hết phải là: Đã được xuất bản hợp pháp tại VN, xuất bản sau năm 1975, và không có tranh chấp về pháp lý.

Ví dụ cuốn Nền dân trị Mỹ đoạt giải năm ngoái. Một cuốn sách rất cũ nhưng tinh thần, thông điệp và tri thức của nó lại hết sức có ý nghĩa trong thời đại ngày nay. Cuốn sách chia sẻ cả những giá trị công dân, những giá trị con người, tinh thần khai minh... không hề cũ, thậm chí là cho cả hàng trăm năm nữa.

* Trở lại vấn đề sứ mệnh của sách, khi giáo dục không ổn và dẫn đến nhiều giềng mối trong xã hội bị sa sút, theo ông, sách và việc đọc sách sẽ là cứu tinh?

- Tôi cho rằng nên xem sách là vị tướng tiên phong cho cuộc khai minh hơn là vị cứu tinh. Trong những xã hội mà phần lớn trường chưa thật sự là trường, phần đồng thầy chưa thật sự là thầy thì vai trò tiên quyết định của sách đối với công cuộc khai minh xã hội và chấn hưng giáo dục là điều dường như không cần phải bàn cãi. Giới thức giả, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực sẽ xem sách là công cụ quan trọng bậc nhất và có tính tiên phong trong công cuộc khai minh và cùng nhau bỏ công tìm kiếm, tuyển chọn và giới thiệu sách hay cho mọi người cùng đọc. Chọn sách cũng là chọn giá trị, chọn thông điệp, chọn hướng đi. Công cuộc khai minh phải bắt đầu từ sự khai mở về trí tuệ và tâm hồn của mỗi người, rồi bằng nhiều cách lan tỏa và chia sẻ, cộng đồng cũng sẽ được khai minh. Chẳng hạn như, mình quý ai thì tặng sách hoặc giới thiệu một vài cuốn sách hay cho họ. Công cuộc khai minh này là của tất cả những người có hiểu biết, và nhờ vào trách nhiệm xã hội của những những người hiểu biết mà xã hội sẽ ngày một được khai minh hơn.

* Nhưng các bạn trẻ vẫn đọc nhiều các sách ngôn tình diễm lệ, truyện tranh và chơi game, trong khi các sách khai minh thường chỉ là món quan tâm của những bậc thức giả mà thôi?

- Tôi nghĩ, ai muốn có cuộc sống của con người thì cũng phải trả lời được những câu hỏi như: Ta sống để làm gì? Ý nghĩa của cuộc đời ta nằm ở đâu? Ta phải làm gì để có cuộc đời sống? Mỗi con người chỉ có một cuộc đời, do đó, mình cần phải biết rõ là mình sẽ dùng cuộc đời mình vào việc gì, và việc đó có đáng để dùng hay không… Trả lời những câu hỏi đó tức là cũng đã ít nhiều được khai minh. Nhưng cũng thừa nhận rằng, với đại đa số trường hợp, chỉ có học trò khai minh khi có thầy khai minh, chỉ có những người con khai minh khi có cha mẹ khai minh. Vả lại, không nên nghĩ rằng là mình làm gì cũng sẽ giúp ích cho 90 triệu dân. Chuyện đó là không thể. Do vậy, không cầu toàn, làm được bao nhiêu thì đỡ bấy nhiêu, làm được bao nhiêu cũng tốt.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

LAM ĐIỀN thực hiện

Theo Giản Tư Trung / Tuổi Trẻ

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 372