Doanh nghiệp có nhiều tiền mặt, tốt hay không?

Tài chính doanh nghiệp

Dường như tiền mặt luôn là một cái gì đó mà ai cũng thích sở hữu, doanh nghiệp cũng vậy. Thế nhưng việc doanh nghiệp có quá nhiều tiền mặt liệu có phải là một điều tốt?

Chúng ta biết rằng hầu hết các doanh nghiệp vận hành đều chú ý sử dụng lợi ích từ việc vay nợ. Trong điều kiện hoạt động bình thường, tài trợ bằng nợ có thể giúp doanh nghiệp gia tăng khả năng sinh lợi, thế nhưng nhà đầu tư nào cũng biết đến mặt trái của nợ. Khi mọi thứ không diễn biến như các kế hoạch, thì nợ có thể khiến doanh nghiệp gặp vấn đề nghiêm trọng.

Thế còn vị thế tiền mặt của doanh nghiệp thì sao? Qúa nhiều nợ chắc chắn là một điều không tốt, liệu điều đó có đúng với tiền mặt?

Trước tiên, có vẻ như nhà đầu tư luôn tìm kiếm các doanh nghiệp có lượng tiền mặt dồi dào thể hiện trên bảng cân đối kế toán, bởi vì họ tin rằng nhiều tiền mặt sẽ giúp doanh nghiệp xử lý một cách dễ dàng nếu các kế hoạch kinh doanh đang xấu đi và nó cũng cho doanh nghiệp nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong tương lai.

Thật không may, chẳng có gì là đơn giản, tiền mặt cũng vậy. Lượng tiền mặt trên bảng cân đối kế toán của mỗi doanh nghiệp sẽ được nhà đầu tư hiểu với nhiều các tác động tín hiệu khác nhau: gồm cả tín hiệu tốt và tín hiệu xấu. Dĩ nhiên là nếu hiểu rõ được nguồn hình thành các khoản tiền mặt cho doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp và các kế hoạch mà các nhà quản trị đang dự định thực hiện sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn chuẩn xác hơn.

Các lý thuyết tài chính doanh nghiệp nói rằng mỗi doanh nghiệp nên có một mức tiền mặt thích hợp cho doanh nghiệp mình, một lượng đủ để thanh toán lãi vay, các chi phí và chi tiêu vốn, ngoài ra còn phải dự trữ thêm một ít nữa để doanh nghiệp kịp xử lý trong những tình huống khẩn cấp. Nhà đầu tư có thể tính toán chỉ số thanh toán hiện hành và chỉ số thanh toán nhanh của doanh nghiệp để xác định khả năng doanh nghiệp có thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính đến hạn hay không? Dĩ nhiên là các nghĩa vụ này phải trả bằng tiền mặt.

Theo lý luận, nếu doanh nghiệp có bất cứ một lượng tiền mặt nào cao hơn mức cần thiết đó thì lượng tiền mặt đó nên được phân phối lại cho các cổ đông thông qua cổ tức hoặc mua lại cổ phần. Sau đó, nếu các nhà quản trị tìm thấy các cơ hội đầu tư mới, họ có thể ra thị trường vốn phát hành cổ phần để huy động lượng vốn cần thiết.

Thực tế thì việc doanh nghiệp có nhiều tiền mặt cũng có những điểm tốt. Nhà đầu tư không phải là người bên trong doanh nghiệp nên thông thường nếu nhìn thấy khoản mục tiền mặt trên bảng cân đối kế toán nhiều bao giờ cũng yên tâm hơn so với các doanh nghiệp có lượng tiền mặt ít hơn. Nhất là khi qua các quý, hoặc qua các năm, lượng tiền mặt tăng lên đều đặn và ổn định, nó là một tín hiệu cho thấy doanh nghiệp đang hoạt động rất tốt, đang phát triển rất mạnh. Tiền mặt tích lũy quá nhanh đến mức các nhà quản trị không kịp có thời gian để lên kế hoạch sử dụng chúng sao cho có hiệu quả nhất.

Microsoft là một thí dụ. Trong ngành công nghiệp sản xuất phần mềm, có lẽ tên tuổi của Microsoft đã nổi tiếng toàn thế giới. Microsoft hoạt động quá tốt đến mức dòng tiền mặt hằng năm luôn nhiều hơn 40 tỷ USD. Do doanh thu vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh và tiền mặt cứ thế tăng lên nhanh chóng. Các doanh nghiệp thành công khác trong các ngành như sản xuất phần mềm và dịch vụ, giải trí và truyền thông thường không bị đòi hỏi về chi tiêu vốn nhiều như các công ty trong các ngành thâm dụng vốn.

Vì vậy, tiền mặt của các doanh nghiệp ấy cứ thế tăng lên. Trong khi đó, các doanh nghiệp phải chi tiêu vốn nhiều như các nhà sản xuất thép, phải thường xuyên đầu tư rất nhiều cho các trang thiết bị, dây chuyền sản xuất và nguyên vật liệu sản xuất. Các doanh nghiệp trong các ngành thâm dụng vốn như vậy thường cần duy trì lượng tiền mặt cần thiết trong một thời gian dài hơn bởi vì vòng quay tiền mặt của chúng không thể nhanh như các doanh nghiệp trong các ngành khác.

Hơn thế nữa, nhà đầu tư nên biết rằng các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất, dịch vụ có tính chu kỳ thì cần duy trì lượng tiền mặt nhiều để vượt qua giai đoạn đi xuống của chu kỳ sản xuất. Ví dụ như Boeing hay BMW, lượng cầu đối với các mặt hàng này thường tăng cao trong một thời điểm nhất định của chu kỳ kinh doanh và sau đó họ lại phải đối mặt với giai đoạn khác của chu kỳ khiến cho lượng tiền mặt bị sụt giảm nhanh chóng. Do đó, đối với các doanh nghiệp như vậy thì họ cần có một lượng tiền mặt dự trữ nhiều hơn mức cần thiết để đáp ứng cho các nghĩa vụ ngắn hạn của họ.

Nói như thế không có nghĩa là bao giờ có nhiều tiền mặt hơn mức lý thuyết đưa ra cũng tốt. Một mức tiền mặt cao thể hiện trong bảng cân đối kế toán có thể khiến cho nhà đầu tư đặt câu hỏi, nhất là khi lượng tiền mặt đột nhiên cao hơn mức bình thường. Tại sao các nhà quản trị lại để tiền mặt ở đó mà không đem đi sử dụng? Nhà đầu tư có quyền nghi ngờ vì doanh nghiệp đã mất các cơ hội đầu tư hoặc là ban quản trị doanh nghiệp quá yếu kém nên đã không thể biết làm gì với lượng tiền mặt đó. Việc để tiền mặt trong doanh nghiệp quá nhiều luôn có chi phí cơ hội.

Chi phí cơ hội của tiền mặt trong trường hợp này được hiểu là sự khác nhau giữa nhau giữa lãi suất có được khi nắm giữ tiền mặt (tiền gửi không kỳ hạn ở ngân hàng cũng được xem như là tiền mặt) và cái giá phải trả để có tiền mặt. Cái giá phải trả để nắm giữ tiền mặt, đó chính là chi phí sử dụng vốn bình quân của doanh nghiệp WACC. Nếu một doanh nghiệp khi đầu tư vào một dự án mới hoặc mở rộng sản xuất có khả năng tạo ra tỷ suất sinh lợi trên vốn cổ phần là 20%, thì chi phí cơ hội của việc nắm giữ nhiều tiền mặt thật sự là đắt. Bởi lãi suất cho tiền gửi không kỳ hạn khó lòng đạt tới 10%. Trong trường hợp tỷ suất sinh lợi của dự án thấp hơn mức chi phí sử dụng vốn trung bình WACC thì tiền mặt cũng không nên giữ lại tại doanh nghiệp, mà nên phân phối chúng lại cho các cổ đông dưới hình thức cổ tức hay mua lại cổ phần của doanh nghiệp.

Mặc dù, khi các nhà quản trị muốn gia tăng mức tiền mặt trong doanh nghiệp luôn đưa ra những lời giải thích có vẻ như rất hợp lý : tiền mặt nhiều có thể giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn và thực hiện các phi vụ thâu tóm một cách nhanh chóng hơn. Thế nhưng bạn đừng quên rằng với các doanh nghiệp có lượng tiền mặt nhiều hơn mức cần thiết mà các lý thuyết đề nghị thì bạn phải chú ý nhiều hơn đến vấn đề đại diện.

Chi phí đại diện rất dễ xảy ra trong tình huống này, các nhà quản trị dễ dàng bị “quyến rũ” bởi sức hút của những toà biệt thự sang trọng. Do vậy, các quản trị cấp cao có thể sẽ thực hiện những vụ thâu tóm lãng phí và đầu tư vào các dự án kém hiệu quả nhằm tranh thủ tìm kiếm lợi ích cá nhân. Do đó, nếu bạn là nhà đầu tư, bạn hãy chú trọng nhiều hơn đến các doanh nghiệp xem việc dự trữ tìên mặt như một chiến lược cho các kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp.

Vì rất có thể rằng động cơ bên trong đó chính là việc tư lợi của các nhà quản trị. Thậm chí trong tình huống tệ hơn, các doanh nghiệp có lượng tiền mặt quá dồi dào giúp cho các nhà quản trị giảm áp lực cho quá trình vận hành doanh nghiệp. Họ không bị sức ép phải tính toán điều hành hợp lý nhất để đáp ứng được các nghĩa vụ ngắn hạn như các doanh nghiệp chỉ có lượng tiền mặt vừa phải theo mức cần thiết.

Nên nhớ rằng, ngoài mức tiền mặt cần thiết, bạn phải cảnh giác với bất cứ một lý giải nào cho việc tăng tiền mặt trong doanh nghiệp. Thị trường vốn luôn hiện hữu, nếu cần huy động vốn cho các dự án đầu tư tiềm năng thì thị trường vốn luôn sẵn sàng. Thị trường vốn với những yêu cầu khắt khe, vì thế doanh nghiệp sẽ thận trong hơn trước các quyết định đầu tư, và do đó sẽ giảm được chi phí đại diện.

Thay lời kết

Để bảo vệ cho danh mục đầu tư của bạn được an toàn, nhà đầu tư nên xem xét vị thế tiền mặt của doanh nghiệp qua các lý thuyết tài chính để tìm thấy một mức tiền mặt hợp lý trong doanh nghiệp. Đừng quên xem xét yếu tố dòng tiền tương lai, chu kỳ kinh doanh, các kế hoạch chi tiêu vốn, các nghĩa vụ phải trả khẩn cấp và các nhu cầu cần tiền mặt để chi trả khác khi tính toán doanh nghiệp thật sự cần lượng tiền mặt là bao nhiêu?

(Tổng hợp từ Saga.vn)

Những câu hỏi thường gặp về quản lý tiền mặt trong doanh nghiệp

 

1. Vai trò của tiền mặt trong doanh nghiệp như thế nào?

Tiền mặt đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Một số vai trò quan trọng:

  • Thanh toán hàng hóa và dịch vụ: Tiền mặt được sử dụng để thanh toán các khoản mua hàng, chi phí nhân công, chi phí vận chuyển và các dịch vụ khác cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Quản lý nguồn vốn: Tiền mặt giúp doanh nghiệp quản lý nguồn vốn một cách linh hoạt. Nó có thể được sử dụng để đầu tư vào mua sắm thiết bị, nâng cấp hệ thống, mở rộng hoặc đầu tư vào các dự án mới.
  • Chi trả tiền lương và phúc lợi cho nhân viên: Tiền mặt được sử dụng để trả lương, thưởng và các khoản phúc lợi cho nhân viên. Điều này giúp duy trì và thúc đẩy lòng trung thành và hiệu suất làm việc của nhân viên.
  • Quản lý dòng tiền: Tiền mặt giúp doanh nghiệp duy trì và quản lý dòng tiền hàng ngày. Việc có đủ tiền mặt để chi trả các khoản nợ, chi phí vận hành và duy trì hoạt động là rất quan trọng để đảm bảo sự ổn định và sự phát triển của doanh nghiệp.
  • Ứng phó với khẩn cấp: Trong trường hợp xảy ra sự cố hoặc khủng hoảng, tiền mặt là một nguồn tài sản có thể sử dụng ngay lập tức để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Nó cung cấp sự linh hoạt và sẵn có để đối phó với bất kỳ tình huống bất ngờ nào có thể xảy ra.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng quản lý tiền mặt cũng cần được thực hiện cẩn thận để tránh các rủi ro như mất mát, lạm phát hoặc sự cố an ninh. Do đó, việc có một chiến lược quản lý tiền mặt hiệu quả là rất quan trọng để đảm bảo sự ổn định và thành công của doanh nghiệp.

2. Những rủi ro khi tồn quỹ tiền mặt nhiều là gì?

Tồn quỹ tiền mặt nhiều cũng có thể mang theo một số rủi ro cho doanh nghiệp. Một số rủi ro tiềm ẩn:

  • Rủi ro mất mát: Tiền mặt có thể bị mất mát hoặc đánh cắp nếu không được bảo quản và quản lý cẩn thận. Rủi ro này có thể xảy ra trong quá trình vận chuyển, lưu trữ hoặc do hành vi gian lận nội bộ.
  • Rủi ro lạm phát: Tồn quỹ tiền mặt nhiều có thể đối mặt với rủi ro lạm phát. Nếu tiền mặt không được đầu tư hoặc sử dụng một cách hiệu quả, giá trị thực của nó có thể giảm theo thời gian do tác động của lạm phát.
  • Rủi ro hạn chế sinh lời: Tiền mặt đặt trong quỹ chỉ đơn thuần là tài sản không sinh lời. Điều này có thể gây lãng phí cơ hội khi không tận dụng được các cơ hội đầu tư hoặc sinh lời từ các công cụ tài chính khác.
  • Rủi ro thanh khoản: Tồn quỹ tiền mặt nhiều có thể gây ra rủi ro về thanh khoản. Khi tiền mặt được giữ dưới dạng tiền mặt, nó không thể nhanh chóng chuyển đổi thành tài sản khác hoặc được sử dụng để trả nợ. Điều này có thể tạo ra khó khăn trong việc đáp ứng các nhu cầu thanh toán ngắn hạn.
  • Rủi ro không tận dụng được cơ hội: Tồn quỹ tiền mặt nhiều có thể khiến doanh nghiệp không tận dụng được các cơ hội đầu tư hoặc phát triển. Tiền mặt không được sử dụng một cách hiệu quả có thể làm giảm khả năng sinh lời và sự phát triển của doanh nghiệp.

Để giảm rủi ro khi tồn quỹ tiền mặt nhiều, doanh nghiệp cần có một chiến lược quản lý tiền mặt cẩn thận. Việc đầu tư, tận dụng các công cụ tài chính khác, và duy trì một mức tồn quỹ tiền mặt hợp lý là cần thiết.

3. Số dư quỹ tiền mặt doanh nghiệp bao nhiêu là hợp lý?

Số dư quỹ tiền mặt hợp lý cho mỗi doanh nghiệp có thể khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm ngành nghề, quy mô và tình hình tài chính của doanh nghiệp. Dưới đây là một số yếu tố cần xem xét khi xác định số dư quỹ tiền mặt hợp lý:

  • Xuất phát từ nhu cầu thanh toán: Doanh nghiệp cần xác định số tiền cần để đáp ứng các nhu cầu thanh toán hàng ngày, bao gồm trả lương, thanh toán các khoản nợ, mua sắm hàng hóa, dịch vụ và chi phí hoạt động khác. Số dư quỹ tiền mặt nên đảm bảo đủ để thực hiện các giao dịch này một cách suôn sẻ.
  • Tính thanh khoản và dòng tiền: Cân nhắc mức độ thanh khoản của tài sản khác, ví dụ như tài sản ngắn hạn, các khoản đầu tư có thể chuyển đổi nhanh chóng thành tiền mặt khi cần thiết. Điều này giúp đảm bảo dòng tiền trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
  • Tính linh hoạt và khả năng ứng phó: Doanh nghiệp cần xem xét khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp hoặc biến động bất ngờ trong môi trường kinh doanh. Một số lượng nhất định tiền mặt có sẵn có thể giúp doanh nghiệp đối phó với những thay đổi bất ngờ và tránh các rủi ro không mong muốn.
  • Chiến lược đầu tư: Nếu doanh nghiệp có chiến lược đầu tư tiền mặt để tối đa hóa sinh lợi, số dư quỹ tiền mặt có thể thấp hơn. Tuy nhiên, cần cân nhắc giữ một mức độ tiền mặt cần thiết để đảm bảo thanh toán các nghĩa vụ ngắn hạn và ứng phó với các tình huống không lường trước được.
  • Phân tích tài chính: Điều quan trọng là xem xét các chỉ số tài chính khác như tỷ suất thanh toán ngắn hạn, tỷ lệ thanh toán và cơ cấu tài chính để đánh giá sự hợp lý của số dư quỹ tiền mặt hợp lý. Các chỉ số này có thể cho thấy khả năng của doanh nghiệp trong việc đáp ứng nhu cầu thanh toán và quản lý rủi ro tài chính.

Tóm lại, số dư quỹ tiền mặt hợp lý là một sự cân nhắc kỹ lưỡng giữa đảm bảo thanh toán ngắn hạn, tối ưu hóa sinh lợi từ tiền mặt và quản lý rủi ro tài chính. Việc tìm ra mức độ phù hợp của số dư quỹ tiền mặt yêu cầu sự phân tích cụ thể và điều chỉnh theo tình hình và mục tiêu kinh doanh của từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần lưu ý rằng số dư quỹ tiền mặt có thể thay đổi theo thời gian và nên được đánh giá và điều chỉnh định kỳ để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu tài chính và hoạt động kinh doanh.

Chương trình đào tạo

CFO - GIÁM ĐỐC TÀI CHÍNH
CFO - Chief Financial Officer

“CFO” là một chương trình đặc biệt của PACE, do các chuyên gia của PACE nghiên cứu, thiết kế, biên soạn
và trực tiếp giảng dạy theo mô hình quản trị tài chính “PFMM” (PACE’s Financial Management Model).

Nâng tầm quản trị tài chính của CFO trong thời kỳ mới

Vui lòng xem thông tin chương trình
tại đây

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 372