Kế toán trưởng: Vai trò, mô tả công việc và yêu cầu cần có

Kế toán trưởng chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động kế toán của tổ chức. Họ cần đảm bảo rằng tất cả các giao dịch tài chính được triển khai đúng cách và báo cáo kịp thời. Kế toán trưởng đóng vai trò tích cực trong việc triển khai chiến lược kế toán tổng thể và sự phát triển của doanh nghiệp.

Kế toán trưởng là gì?

Kế toán trưởng (Chief Accountant) là người đứng đầu bộ phận kế toán, phụ trách điều hành, định hướng công tác chiến lược tài chính cho doanh nghiệp. Trong các doanh nghiệp lớn, kế toán trưởng làm việc dưới quyền và báo cáo cho Giám đốc tài chính (CFO), họ định hướng và tham mưu cho ban lãnh đạo trong việc đưa ra các chiến lược, kế hoạch tài chính, báo cáo tình hình kinh tế của công ty. 

Kế toán trưởng thường có nhiều kinh nghiệm làm kế toán hoặc kiểm toán viên trước khi được thăng chức vào vai trò này. Điều này mang lại cho họ sự hiểu biết sâu sắc về cách hoạt động của bộ phận kế toán và cách làm phù hợp với tổ chức lớn hơn.

Kế toán trưởng là người đứng đầu bộ phận kế toán, phụ trách điều hành, định hướng công tác chiến lược tài chính cho doanh nghiệp

Quy định của Pháp luật Việt Nam về vị trí kế toán trưởng

  1. Điều kiện để trở thành Kế toán trưởng
  2. Đối tượng không được phép trở thành Kế toán trưởng

Điều kiện để trở thành Kế toán trưởng

Người ứng tuyển không được thuộc 1 trong các trường hợp được bổ nhiệm vào vị trí Kế toán trưởng theo quy định tại Điều 52 Luật Kế toán 2005, Điều 19 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP, đồng thời phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

Điều kiện tại Khoản 1 tại điều 51 của Luật kế toán số 88/2015/QH13:

1. Người làm kế toán phải có các tiêu chuẩn sau đây:

a) Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;

b) Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán.

Theo: Luật kế toán số 88/2015/QH13

Điều kiện tại điều 54 của Luật kế toán số 88/2015/QH13:

1. Kế toán trưởng phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

a) Các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;

b) Có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp trở lên;

c) Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng;

d) Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.

2. Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng phù hợp với từng loại đơn vị kế toán.

Theo: Luật kế toán số 88/2015/QH13

Đối tượng không được trở thành kế toán trưởng

Tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 52 của Luật kế toán số 88/2015/QH13 quy định về các đối tượng không được trở thành kế toán trưởng như sau:

1. Người chưa thành niên; người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.

3. Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc, tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính – kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.

4. Người đang là người quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trong doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.

Theo: Luật kế toán số 88/2015/QH13

Vai trò của kế toán trưởng trong tổ chức

Theo Luật kế toán và Nghị định của chính phủ, Kế toán trưởng là vị trí bắt buộc cần phải có trong tất cả các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ. Có thể thấy, vai trò của kế toán trưởng rất quan trọng để cân đối và duy trì sức khỏe tài chính trong bộ máy hoạt động của một tổ chức.

Với các nghiệp vụ về chuyên môn kế toán, kế toán trưởng cần đề xuất các chiến lược phát triển phù hợp với tình hình hoạt động của tổ chức trong từng giai đoạn. Đồng thời, họ cũng cần giám sát, kiểm tra thường xuyên các hợp đồng kinh tế, đảm bảo tuân thủ pháp luật, xử lý những trường hợp làm hư hỏng hoặc mất mát tài sản doanh nghiệp.

Với nghiệp vụ tài chính, kế toán trưởng sẽ tham mưu cho các lãnh đạo cấp cao trong việc quản lý và định hướng xử lý các sự vụ tài chính do những quy định không phù hợp. Ngoài ra, họ cần quản lý và đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Nói tóm lại, một kế toán trưởng có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao sẽ giúp doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả, tránh tối đa sai sót và rủi ro. Doanh nghiệp muốn duy trì và phát triển bền vững thì việc bổ sung một kế toán trưởng là điều rất cần thiết.

Kế toán trưởng là vị trí bắt buộc cần phải có trong tất cả các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ

Mô tả công việc kế toán trưởng

Kế toán trưởng là một vị trí công việc quan trọng trong bất kỳ doanh nghiệp nào. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính chính xác, hợp pháp của sổ sách kế toán, lập báo cáo tài chính, tham mưu cho ban lãnh đạo về các vấn đề tài chính kế toán. Công việc của kế toán trưởng thường bao gồm:

  1. Quản lý bộ phận kế toán
  2. Đảm bảo tính chính xác, hợp pháp của sổ sách kế toán
  3. Giám sát hoạt động quyết toán
  4. Lập báo cáo tài chính
  5. Tham gia phân tích, dự báo nguồn tài chính cho tổ chức
  6. Điều hành, đào tạo các kế toán viên
  7. Một số công việc cụ thể khác

Quản lý bộ phận kế toán

Kế toán trưởng có nhiệm vụ quản lý, điều hành và đảm bảo hiệu suất làm việc của bộ phận kế toán, họ chịu trách nhiệm cuối cùng về các vấn đề liên quan đến quản trị tài chính của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, họ cũng chịu trách nhiệm về các hoạt động như giao dịch với ngân hàng, áp dụng công nghệ, kỹ thuật vào quy trình hoạt động, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đồng thời tăng hiệu suất làm việc.

Một số công việc của kế toán trưởng liên quan đến nhiệm vụ này, bao gồm:

  • Lập biểu mẫu tài liệu, giấy tờ liên quan đến tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Xây dựng kế hoạch công việc, đồng thời triển khai thực thi các nhiệm vụ của bộ phận kế toán.
  • Tổ chức, quản lý các hoạt động kiểm kê tài sản, dòng tiền liên quan đến các hoạt động kinh doanh và quyền lợi của doanh nghiệp theo định kỳ.

Kế toán trưởng có nhiệm vụ quản lý, điều hành và đảm bảo hiệu suất làm việc của bộ phận kế toán

Đảm bảo tính chính xác, hợp pháp của sổ sách kế toán

Kế toán trưởng cần rà soát kịp thời các sổ sách kế toán, đảm bảo tính chính xác, hợp pháp. Bởi đây là những tài liệu thường xuyên được các cơ quan có thẩm quyền thanh tra.

  • Tính toán giá thành sản phẩm và hạch toán thuế.
  • Tính toán tiền lương và các loại bảo hiểm của nhân viên.
  • Đối chiếu công nợ với khách hàng, ngân hàng, chủ đầu tư.
  • Tiến hành kiểm soát quy trình lập sổ sách, tài liệu, quy trình kiểm kê tài sản trong công ty.
  • Xây dựng bảng cân đối kế toán, tiến hành rà soát các báo cáo nguồn tài chính của doanh nghiệp.
  • Theo dõi, giám sát các hoạt động lưu trữ sổ sách, tài liệu kế toán như hóa đơn, chứng từ,... theo đúng quy định.

Kế toán trưởng cần rà soát kịp thời các sổ sách kế toán, đảm bảo tính chính xác, hợp pháp

Giám sát hoạt động quyết toán

Hoạt động quyết toán thường diễn ra vào cuối năm, những khoản thu - chi, kiểm kê tài sản,... sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì vậy, kế toán trưởng cần giám sát hoạt động quyết toán thật kỹ lưỡng và đảm bảo đáp ứng được yêu cầu quyết toán của ban lãnh đạo cấp cao, bất cứ khi nào.

Việc giám sát các hoạt động quyết toán đồng thời cũng giúp kế toán trưởng kịp thời nắm rõ tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, đưa ra những giải pháp kịp thời nhằm tối ưu chi phí, tăng hiệu quả trong các hoạt động.

Lập báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính là bản ghi tóm tắt về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quý hoặc năm. Tùy vào cơ cấu tổ chức của mỗi doanh nghiệp, việc lập báo cáo tài chính có thể do kế toán trưởng triển khai, hoặc giám sát các kế toán viên thực thi. Đồng thời phối hợp với kế toán tổng hợp trình bày cho ban lãnh đạo hoặc cơ quan kiểm toán khi có yêu cầu.

>> Tham khảo: Khóa học Đọc hiểu báo cáo tài chính

Tùy vào cơ cấu tổ chức của mỗi doanh nghiệp, việc lập báo cáo tài chính có thể do kế toán trưởng triển khai, hoặc giám sát các kế toán viên thực thi

Tham gia phân tích, dự báo nguồn tài chính cho tổ chức

Tham gia vào quá trình phân tích, dự báo nguồn tài chính là nhiệm vụ rất quan trọng đối với một kế toán trưởng. Tùy thuộc vào tình hình kinh tế - chính trị trong và ngoài nước, cùng với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, kế toán trưởng cần đưa ra dự báo chính xác nhất cho doanh nghiệp.

Dựa vào những số liệu này, các nhà lãnh đạo cấp cao sẽ biết nên đầu tư vào lĩnh vực nào, cần tăng hay giảm ngân sách, nguồn vốn, đồng thời dự báo những rủi ro phát sinh để kịp thời đưa ra những kế hoạch khắc phục.

Điều hành, đào tạo các kế toán viên

Là người điều hành bộ phận kế toán của doanh nghiệp, kế toán trưởng cần đảm bảo cấp dưới của mình hoàn thành công việc và đáp ứng các yêu cầu chuyên môn của ngành kế toán.

  • Phân công, điều phối công việc phù hợp với khả năng của từng kế toán viên.
  • Theo dõi, đo lường và đánh giá hiệu suất công viên của mỗi thành viên. 
  • Đưa ra các chính sách hoặc tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các kế toán viên theo định kỳ.

Một số công việc cụ thể khác

Trên thực tế, kế toán trưởng cần thực hiện nhiều công việc với áp lực cao hơn, tùy vào quy mô và đặc thù của mỗi doanh nghiệp. Một số công việc khác mà kế toán trưởng có thể phải đảm nhiệm bao gồm:

  • Thực hiện các giao dịch vay tín dụng với các bên liên quan như ngân hàng hoặc trong lĩnh vực tài chính.
  • Đưa ra các đề xuất nhằm cải tiến hạn chế trong hoạt động xử lý công việc của bộ phận kế toán.
  • Điều hành, tổ chức các cuộc họp nội bộ của bộ phận kế toán, tham gia các cuộc họp với ban lãnh đạo cấp cao khi có yêu cầu.

Trên thực tế, kế toán trưởng cần thực hiện nhiều công việc với áp lực cao hơn, tùy vào quy mô và đặc thù của mỗi doanh nghiệp

Nhiệm vụ của Kế toán trưởng

Nhiệm vụ của một kế toán trưởng thường bao gồm các công việc quản lý, giám sát các hoạt động kế toán và tài chính trong một tổ chức. Một số nhiệm vụ chính của kế toán trưởng phải kể đến như:

  • Thực hiện các quy định của pháp luật về kế toán, tài chính trong đơn vị kế toán;

  • Tổ chức điều hành bộ máy kế toán theo quy định của Luật này;

  • Lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán;

  • Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của báo cáo tài chính;

  • Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của người đứng đầu đơn vị kế toán (Giám đốc Tài chính).

Yêu cầu cần có để trở thành Kế toán trưởng

  1. Trình độ học vấn
  2. Kinh nghiệm
  3. Kỹ năng

Trình độ học vấn

Hầu hết các nhà tuyển dụng hiện nay đều yêu cầu vị trí kế toán trưởng phải có tối thiểu bằng cử nhân về kế toán hoặc các lĩnh vực liên quan. Một số nhà tuyển dụng ưu tiên ứng viên có bằng thạc sĩ về kế toán hoặc quản trị kinh doanh với chuyên ngành kế toán.

Kinh nghiệm

Kinh nghiệm cần được mỗi người tự đúc kết trong công việc hằng ngày. Mỗi cá nhân có thể tích lũy kinh nghiệm trong các vai trò kế toán khác như kế toán viên, kiểm toán viên. Đồng thời tích lũy kinh nghiệm trong các vai trò tài chính khác, chẳng hạn như nhà phân tích tài chính.

Kinh nghiệm, chuyên môn là điều bắt buộc nếu muốn trở thành kế toán trưởng

Kỹ năng kế toán trưởng cần có

Kế toán

Kỹ năng kế toán là kỹ năng phân tích dữ liệu tài chính, làm việc với những con số. Kỹ năng này cần hiểu biết sâu sắc về các thủ tục, thông lệ kế toán, vì kế toán trưởng là người cần đảm bảo hồ sơ tài chính của doanh nghiệp là chính xác và đầy đủ.

Vị trí kế toán trưởng yêu cầu một người cần có hiểu biết thấu đáo về chu trình kế toán, bao gồm việc ghi chép lại các giao dịch, lập báo cáo tài chính,...

Kỹ năng giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp cực kỳ cần thiết để truyền đạt thông tin đến người khác. Kế toán trưởng là người phải giao tiếp với khách hàng, đồng nghiệp, cấp trên và các bên liên quan khác, do đó họ cần có kỹ năng giao tiếp xuất sắc. Kỹ năng này cũng giúp mỗi cá nhân xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và bền vững với khách hàng, đồng nghiệp.

Tư duy phản biện

Tư duy phản biện là khả năng phân tích tình huống và đưa ra quyết định dựa trên thông tin có cơ sở. Kế toán trưởng cần sử dụng kỹ năng này để đưa ra những quyết định tài chính vì lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp.

Kỹ năng lãnh đạo

Kế toán trưởng - người chịu trách nhiệm quản lý bộ phận kế toán hoặc giám sát một dự án lớn. Kỹ năng lãnh đạo rất cần thiết để quản lý nhóm hiệu quả và ủy thác nhiệm vụ một cách hợp lý nhất. Khả năng lãnh đạo đồng thời cũng giúp họ dễ dàng thăng tiến hơn trong sự nghiệp.

Kỹ năng tổ chức

Tổ chức là một kỹ năng quan trọng đối với kế toán, kỹ năng này cho phép họ theo dõi hồ sơ tài chính và các tài liệu quan trọng. Là một kế toán trưởng, một người cần chịu trách nhiệm tổ chức và duy trì hồ sơ tài chính cho nhiều khách hàng. Có kỹ năng tổ chức tốt có thể giúp họ theo dõi tất cả hồ sơ và đảm bảo gửi báo cáo tài chính kịp thời và chính xác.

Kỹ năng quản lý thời gian

Kỹ năng quản lý thời gian là cần thiết đối với tất cả mọi người, tính chất công việc của kế toán trưởng là xử lý số lượng lớn giấy tờ, sổ sách, những sự vụ tài chính trong doanh nghiệp. Do đó, người đảm nhận vị trí này cần phải biết sắp xếp thời gian hợp lý để giải quyết công việc một cách hiệu quả, tránh bị bỏ sót hay tồn đọng công việc.

Kỹ năng cẩn thận, tỉ mỉ cao

Chỉ cần mắc một lỗi nhỏ trong việc tính toán số liệu, thống kê, làm báo cáo hay quyết toán là kế toán trưởng đã gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Do đó, họ cần phải cẩn thận, tỉ mỉ để đảm bảo độ chính xác là tuyệt đối.

Kế toán trưởng cần lĩnh hội nhiều kỹ năng để đảm bảo công việc hoàn thành tốt nhất

Lộ trình trở thành một kế toán trưởng xuất sắc

  1. Kế toán viên bộ phận
  2. Thăng tiến lên kế toán tổng hợp
  3. Trở thành kế toán trưởng

Kế toán viên bộ phận

Chặng đường trở thành kế toán trưởng là một quá trình dài học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Hầu hết những người muốn leo lên vị trí kế toán trưởng đều trải qua những vị trí thấp hơn trong kế toán như kế toán viên thuế, kế toán kho, kế toán lương, kế toán thu mua, kế toán công nợ,...

Bắt đầu từ vị trí kế toán viên bộ phận giúp họ có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc xử lý nghiệp vụ của các lĩnh vực này, đồng thời có thể linh hoạt ứng phó với các tình huống khẩn cấp, hiểu rõ về nhân viên để biết cách quản lý, điều hành sao cho hiệu quả.

Thăng tiến lên kế toán tổng hợp

Khi đã làm việc từ 3 đến 5 năm kinh nghiệm ở vị trí kế toán viên bộ phận, các kiến thức chuyên môn, kỹ năng đã vững vàng thì có thể thăng tiến lên vị trí kế toán tổng hợp. Vị trí này yêu cầu một người có khả năng tổng hợp thông tin về hoạt động kế toán trong doanh nghiệp một cách tổng quan, rõ ràng.

Kế toán tổng hợp hỗ trợ trực tiếp cho kế toán trưởng, do đó họ có nhiều cơ hội tiếp xúc cũng như học hỏi kỹ năng cần có của một người quản lý cấp cao. Khi đã nắm chắc được kinh nghiệm, kỹ năng ở vị trí này thì vị trí Kế toán trưởng sẽ không còn xa vời.

Trở thành kế toán trưởng

Sau khi đã lĩnh hội tất cả kiến thức, kỹ năng mà những vị trí trước đây mang lại, đã sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm về bộ phận kế toán, có thể tham gia vào quá trình tham mưu cho các lãnh đạo cấp cao thì một cá nhân có thể ngồi lên được vị trí kế toán trưởng.

Hiện nay, theo Bộ luật Lao động mới nhất, một cá nhân có thể làm kế toán trưởng cho nhiều doanh nghiệp cùng lúc. Tuy nhiên, cần đáp ứng được yêu cầu công việc của doanh nghiệp, tuyệt đối không vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi làm kế toán trưởng tại nhiều doanh nghiệp.

Lộ trình trở thành một kế toán trưởng xuất sắc

Phân biệt Kế toán trưởng và Trưởng phòng Kế toán

Tiêu chí

Kế toán trưởng (Chief Accountant) 

Trưởng phòng Kế toán

Chức năng chính Quản lý các hoạt động kế toán của phòng kế toán Quản lý và điều hành toàn bộ công tác kế toán, hạch toán kế toán của doanh nghiệp

Trách nhiệm

Chịu trách nhiệm về tính chính xác, độ tin cậy của báo cáo tài chính

Chịu trách nhiệm về hoạt động của phòng kế toán và các báo cáo tài chính của doanh nghiệp

Bộ phận

Thuộc phòng kế toán Có thể có hoặc không thuộc phòng kế toán

Yêu cầu

Có thể kiêm vị trí trưởng phòng kế toán vì Luật định không yêu cầu phải có những chứng chỉ bắt buộc

Không thể kiêm vị trí kế toán trưởng bởi vị trí kế toán trưởng bắt buộc phải có chứng chỉ

Kỹ năng

Cần có kiến thức chuyên môn về kế toán và quản lý

Cần có kiến thức chuyên môn về kế toán, quản lý và kỹ năng lãnh đạo

Vai trò

Kế toán trưởng hướng đến mục tiêu đảm bảo tính chính xác, minh bạch và tuân thủ các quy định của báo cáo tài chính.

Tham gia cung cấp thông tin kế toán và tài chính để hỗ trợ quá trình ra quyết định của doanh nghiệp


Nhìn chung, cả hai vị trí này chỉ thể hiện thật sự rõ ràng trong các tập đoàn lớn hoặc hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con. Thông thường, kế toán trưởng được bổ nhiệm bởi Tổng giám đốc đơn vị, còn trưởng phòng kế toán được bổ nhiệm bởi Giám đốc, tuy nhiên phải được sự đồng thuận của kế toán trưởng cấp trên.

Một số câu hỏi thường gặp về vị trí Kế toán trưởng

Học gì để trở thành kế toán trưởng?

Để trở thành kế toán trưởng, hãy bắt đầu bằng các chuyên ngành Kế toán, Tài chính, Quản trị Kinh doanh, Kinh tế,... hoặc những bằng cấp cao hơn là một lợi thế. Trong các doanh nghiệp lớn hiện nay, nhà tuyển dụng yêu cầu vị trí kế toán trưởng cần có bằng MBA về chuyên ngành Tài chính, Kinh tế, Quản trị kinh doanh,...

Có cần thi chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng không?

Theo Khoản 1 Điều 54 quy định tại Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ban hành ngày 20/11/2015, để trở thành kế toán trưởng, người ứng tuyển bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng. Chính vì vậy, muốn trở thành kế toán trưởng, chứng chỉ này là điều bắt buộc.

Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng là loại chứng chỉ chứng nhận người học đã hoàn thành các bài kiểm tra cấp chứng chỉ của khóa bồi dưỡng cho vị trí này. Loại chứng chỉ này do Bộ tài chính cấp và quản lý thống nhất trên toàn quốc.

Điều kiện để được học và được cấp chứng chỉ này, bao gồm:

  • Có trình độ chuyên môn liên quan đến kế toán, kiểm toán, tài chính.
  • Có thời gian làm việc trong ngành 2 năm với người có bằng đại học và 3 năm với người tốt nghiệp trung cấp về kiểm toán, kế toán, tài chính.
  • Chứng chỉ này chỉ có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp tới ngày bổ nhiệm lên vị trí kế toán trưởng. Sau 5 năm, buộc phải học lại khóa học này nếu muốn cấp lại.

Ngoài chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng, các loại chứng chỉ kế toán quốc tế khác như:

  • CMA (Certified Management Accountant - Chứng chỉ kế toán quản trị)
  • Chứng chỉ CPA (Certified Public Accountants - Chứng chỉ Kế toán kiểm toán viên)
  • CIA (Certified Internal Auditor - Chứng chỉ Kiểm toán Nội bộ)
  • Chứng chỉ ACCA (The Association of Chartered Certified Accountants)
  • ...

Tham khảo thêm:

Chứng chỉ CMA tại Trường Tài Chính Kế Toán PACE (thuộc Học Viện Quản Lý PACE), giúp Học viên trang bị tối ưu về kiến thức, kỹ năng kế toán quản trị và quản trị tài chính, hỗ trợ Học viên chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi đạt Chứng chỉ U.S. CMA.

Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng là điều bắt buộc đối với bất kỳ ai muốn leo lên vị trí này

Kế toán trưởng có những công cụ, phần mềm hỗ trợ nào để làm việc?

Ngày nay, cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ, hàng loạt những công cụ, phần mềm hỗ trợ kế toán mới cũng ra đời. Kế toán trưởng có thể tham khảo những công cụ, phần mềm sau:

  • Phần mềm kế toán: Bao gồm các phần mềm quản lý tài chính, quản lý thu chi, hóa đơn điện tử, phần mềm kế toán tổng hợp như Misa, Fast, SAP (SAP Accounting), Oracle, Microsoft Dynamics,...

  • Microsoft Excel: Phần mềm này giúp xử lý dữ liệu, phân tích số liệu tài chính và tạo báo cáo một cách đơn giản, gần gũi với người dùng.

  • Phần mềm quản lý dự án: Phần mềm này giúp kế toán trưởng quản lý các dự án và ngân sách của công ty, theo dõi chi phí và tiến độ của các dự án, bao gồm Asana, Trello, Basecamp,...

  • Phần mềm quản lý văn bản: Phần mềm quản lý và lưu trữ các hồ sơ, giấy tờ, tài liệu của doanh nghiệp, bao gồm Google Drive, Dropbox, OneDrive,...

  • Phần mềm bảo mật: Bảo vệ thông tin tài khoản, thông tin của doanh nghiệp như Norton, McAfee, Avast,...

Kế toán trưởng có nhiều công cụ, phần mềm hỗ trợ làm việc

Kế toán trưởng có thể đảm nhiệm được các công việc khác ngoài kế toán không?

Kế toán trưởng có thể đảm nhiệm các công việc liên quan đến quản lý và điều hành doanh nghiệp ngoài lĩnh vực kế toán, cụ thể:

  • Quản lý ngân sách và chi phí: Kế toán trưởng có thể là người đảm nhiệm quản lý các khoản chi phí, xác định mục đích chi tiêu phù hợp, đảm bảo nguồn ngân sách được sử dụng hiệu quả và tối ưu.
  • Quản lý nhân sự: Kế toán trưởng cũng có thể tham gia xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đánh giá hiệu suất và lương thưởng cho nhân viên.
  • Tư vấn chiến lược: Kế toán trưởng cũng có thể tham gia vào quá trình xây dựng chiến lược, kế hoạch của doanh nghiệp, cung cấp, phân tích các thông tin về tài chính để hỗ trợ quá trình ra quyết định.
  • Quản lý các hoạt động đối ngoại: Kế toán trưởng cũng có thể đảm nhiệm trách nhiệm quản lý các mối quan hệ với đối tác, khách hàng, nhà đầu tư của doanh nghiệp.

Kế toán trưởng là một vị trí tiềm năng, có nhiều cơ hội để phát triển và có thể làm việc trong các tổ chức khác nhau với lĩnh vực hoạt động đa dạng. Tuy nhiên, công việc của kế toán trưởng có thể căng thẳng, nhiều áp lực bởi họ chịu trách nhiệm về tính chính xác của báo cáo tài chính, đảm bảo công ty tuân thủ tất cả các luật định hiện hành tại Việt Nam. 

Kế toán trưởng là vị trí được cân nhắc kỹ lưỡng và chiếm một sự tin tưởng lớn bởi các nhà lãnh đạo cấp cao, bởi họ đảm bảo duy trì sức khỏe tài chính - yếu tố sống còn của một doanh nghiệp.

Chương trình đào tạo

CFO - GIÁM ĐỐC TÀI CHÍNH
CFO - Chief Financial Officer

“CFO” là một chương trình đặc biệt của PACE, do các chuyên gia của PACE nghiên cứu, thiết kế, biên soạn
và trực tiếp giảng dạy theo mô hình quản trị tài chính “PFMM” (PACE’s Financial Management Model).

Nâng tầm quản trị tài chính của CFO trong thời kỳ mới

Vui lòng xem thông tin chương trình
tại đây

Chương trình đào tạo

KẾ TOÁN DÀNH CHO LÃNH ĐẠO
Accounting For Leaders

Khóa học Kế toán dành cho lãnh đạo tại PACE
giúp học viên tổ chức và quản trị một bộ máy kế toán,
biết cách đọc, hiểu và phân tích những báo cáo tài chính do kế toán soạn lập.

Học kế toán để LÀM kế toán phải mất 4 năm đại học, nhưng nếu học kế toán để QUẢN LÝ kế toán và SỬ DỤNG kế toán thì chỉ mất khoảng 2 tuần.

Vui lòng xem thông tin chương trình
tại đây

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 385