SỰ LO NGẠI VỀ SẢN XUẤT

Hiện nay tại Mỹ, các nhà sản xuất lo ngại tranh chấp thương mại leo thang giữa Mỹ với Trung Quốc và các nước khác sẽ khiến cho tốc độ tăng trưởng này chững lại, thậm chí suy giảm, mặc dù việc sản xuất thời gian qua đã khởi sắc tốt hơn.

Nhiều giám đốc sản xuất tại Mỹ cho biết chi phí thép, nhôm và các nguyên vật liệu đều tăng cao do các mức thuế quan Mỹ và đi kèm theo là nguy cơ bị chặn cửa, không thể bước chân vào thị trường của các nước khác do các biện pháp trả đũa. Tất cả những điều này ngày càng khiến các nhà sản xuất Mỹ cảm thấy bất an. Không ít doanh nghiệp quyết định hoãn các kế hoạch tuyển dụng và đầu tư. 

Michael Haberman - chủ tịch Gradall Industries cho rằng: “Nhìn chung, nền kinh tế trong 18 tháng qua rất tốt. Chúng tôi đã ăn nên làm ra trong năm 2017 và tính đến thời điểm này, tình hình của chúng tôi vẫn còn khả quan. Nhưng chúng tôi rất lo ngại về các mức thuế quan”.

Ngành sản xuất Mỹ đã có một năm khởi sắc khi tăng trưởng 1,9% trong năm kết thúc vào tháng 5.2018. Tốc độ tăng trưởng này vẫn còn tiếp diễn, theo các khảo sát riêng lẻ từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM) và IHS Markit vào đầu tuần qua.

Tuy nhiên, chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những tác động đáng kể lên các nhà sản xuất Mỹ. Cả hai cuộc khảo sát của ISM và IHS Markit đều đưa ra kết luận: nhiều nhà sản xuất đều báo cáo chi phí gia tăng và những khó khăn ngày càng chồng chất trong việc tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu.

Timothy Fiore, thuộc ISM, cho biết những người tham gia khảo sát “rất lo ngại” về các mức thuế quan. Cuối tuần qua, Mỹ đã bắt đầu áp thuế quan đối với 34 tỉ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và chính quyền Bắc Kinh cũng đã “đáp lại” bằng cách áp thuế quan lên hàng nhập khẩu từ Mỹ.

 

 

 

Các biện pháp thuế quan mang tính đáp trả từ Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico trước động thái áp thuế của Mỹ đối với mặt hàng thép và nhôm đã có hiệu lực trong tháng vừa qua. Ngày càng nhiều biện pháp chống đối trên diện rộng hơn “hứa hẹn” sẽ được áp dụng bởi Mỹ, Trung Quốc, EU và các nước khác.

Phòng Thương mại Mỹ, một trong những tổ chức tích cực chống lại các rào cản thương mại, mới đây đã công bố một báo cáo phân tích về việc mỗi bang của Mỹ sẽ bị tác động nặng nề như thế nào bởi các biện pháp áp thuế quan của các nước khác. Thomas Donohue, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ, chia sẻ rằng: “Các mức thuế quan sẽ sinh ra nhiều mức thuế khác nữa và cứ thế áp thuế, rồi lại áp thuế. Điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại khiến cho Mỹ tổn thất nhiều việc làm và cả tăng trưởng kinh tế”.

Những căng thẳng thương mại đang leo thang đã khiến các công ty tiếng tăm của Mỹ như Harley-Davidson và hãng ô tô General Motors gặp nhiều khó khăn.

Đầu tháng 4 vừa qua, Robert Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ, tuyên bố các mức thuế áp lên Bắc Kinh, trong đó nâng mức áp thuế lên ô tô nhập khẩu Trung Quốc từ 2,5% lên 25%, bằng với mức mà Trung Quốc đã áp lên ô tô nhập khẩu vào nước mình. Với các mức thuế này, General Motors được dự báo sẽ chứng kiến doanh số bán sụt giảm trong thời gian tới. 

Pentaflex, một nhà sản xuất theo hợp đồng các bộ phận dập kim loại, đã có một năm ăn lên làm ra, doanh số bán trong 6 tháng đầu năm 2018 cũng tăng tới 27%. Các sản phẩm của công ty này được sử dụng trong các trục xe và ống xả xe tải và nhu cầu cao trong ngành vận tải có nghĩa là doanh số bán xe tải đã tăng rất mạnh kể từ cuối năm 2016.

Tuy nhiên, vì các đợt tăng giá nên buộc họ phải thu hẹp hoạt động, tìm cách tiết giảm chi phí. Ông Dave Arndt, Chủ tịch Pentaflex, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội ngành kim loại nói rằng: “Tình hình kinh doanh của chúng tôi đang rất tốt. Vì thế, tôi không muốn mọi thứ lại kết thúc chỉ vì thuế quan. Tuy nhiên, thép lại chiếm tới khoảng 60% chi phí làm nên một bộ phận linh kiện và giá thép tại Mỹ đã tăng rất cao kể từ đầu năm đến nay. Con số này cao hơn nhiều so với mức thuế quan 25% được áp bởi chính quyền Mỹ và cao hơn rất nhiều so với mức tăng giá 4% đối với loại thép tương đương tại châu Âu”.

 

 

Đối với các nhà sản xuất khác, không phải kim loại mà các linh kiện nhập khẩu mới là mối lo ngại chính của họ. Gradall Industries, chẳng hạn, mua linh kiện từ Trung Quốc, mà dự kiến sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều trong đợt áp thuế quan mới 25% vào cuối tháng qua.

Michael Haberman cho biết không có nhà cung cấp nào ở Mỹ có thể thay thế cho linh kiện do đối tác Trung Quốc cung cấp. Gradall, vốn bán ngược sản phẩm trở lại vào thị trường Trung Quốc, sẽ đối mặt với chi phí cao hơn và bị đẩy vào thế cạnh tranh đầy bất lợi.

“Vào lúc này, chúng tôi sẽ không cắt giảm việc làm, nhưng chúng tôi sẽ rất cẩn trọng trong việc tuyển dụng lao động. Chúng tôi đã từng rất hăng hái, nhưng giờ cần phải thận trọng hơn”, Haberman nói.

Điều thực sự khiến Haberman lo lắng là quan điểm của chính quyền ông Trump dường như thay đổi rất nhanh mà gần như không hề cảnh báo trước. “Trong kinh doanh, chuyện tồn vong hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực dự đoán trước và khả năng dự báo các đơn đặt hàng tương lai. Nếu bạn không thể dự báo được tình hình kinh doanh 18 tháng tới, việc đầu tư là rất khó khăn. Đây là điều rất đáng ngại”, ông nói.

Theo Financial Times

 

Chương trình đào tạo

GIÁM ĐỐC SẢN XUẤT

Chief Production Officer (CPO)

Nâng tầm công nghệ quản lý sản xuất

Vui lòng xem thêm thông tin chi tiết về chương trình tại đây

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 372