Trí tuệ: Sáng tạo hay ăn cắp?

Một quốc gia sẽ không thể có được nền sáng tạo, nền học thuật, nền nghệ thuật đúng nghĩa nếu như ở đó, quyền sở hữu trí tuệ của những sản phẩm sáng tạo bị “ăn cắp” một cách tràn lan và trắng trợn. Và một khi đã thiếu sáng tạo nhưng lại thừa “ăn cắp”, thì quốc gia đó cũng sẽ khó lòng thoát khỏi đói nghèo và làm “nô lệ” trí tuệ cho quốc gia khác.

Đạo văn, đạo nhạc, đạo giáo trình, làm hàng giả, hàng nhái, hàng ăn theo...đang là thảm trạng tràn lan ở một số quốc gia hiện nay. Có thể nói, trong tất cả các hành động ăn cắp thì kiểu ăn cắp chất xám là đáng lên án nhất. Vì kẻ cắp này thường là những người được coi là có hiểu biết, và hệ lụy của nó là bóp chết ước muốn sáng tạo, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp. Nguy hại hơn, nó giết chết nền sáng tạo, nền học thuật và nền nghệ thuật của cả một quốc gia, một dân tộc.

Khi sáng tạo là... tự sát

Một trong những vinh quang lớn nhất của người sáng tạo đó là được chia sẻ, lan tỏa sản phẩm trí tuệ của mình cho càng nhiều người càng tốt. Khó có một vinh quang nào lớn hơn điều này. Ngược lại, cũng không có một nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của người sáng tạo khi phải thanh minh về quyền sở hữu "đứa con" do chính mình tạo ra, thậm chí còn bị mang tiếng là mình đã ăn cắp nó.

Những kẻ ăn cắp thì thường có nhiều thời gian, thừa thủ đoạn và âm mưu, còn người sáng tạo thì thường hồn nhiên tin tưởng cống hiến và không mảy may phòng bị. Đó là một nỗi đau khủng khiếp cho những người sáng tạo, những tổ chức sáng tạo và những quốc gia sáng tạo.

Không bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ thì không thể nào có sáng tạo và hậu quả là sẽ không có nền học thuật, nền nghệ thuật và nền tri thức đúng nghĩa. Nếu quốc gia nào vô tình hoặc cố ý lơ là vấn nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, có nghĩa quốc gia đó tự giết chết nền sáng tạo, nền học thuật, nền nghệ thuật của mình.

Khi đó, quốc gia đó sẽ không thể nào xây dựng được một nền văn hóa có trình độ văn minh cao, một nền kinh tế tri thức (nền kinh tế dựa vào tri thức, chất xám, sáng tạo) mà vẫn buộc phải dựa nhiều vào "nền kinh tế cơ bắp" (nền kinh tế dựa nhiều vào nhân công giá rẻ) và "nền kinh tế đào mỏ" (nền kinh tế dựa nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên). Kết quả, quốc gia đó vẫn mãi không thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, thậm chí phải làm "nô lệ" cho thế giới.

Thêm nữa, nếu chúng ta phát triển mạnh về kinh tế mà lãng quên nền văn học - nghệ thuật đúng nghĩa thì rõ ràng lúc đó, dẫu giàu có thế nào đi nữa thì cũng không phải là một xã hội văn minh. Thường có ba kịch bản chủ yếu xảy ra đối với tương lai của một xã hội: (1) Một xã hội vừa giàu có, vừa văn minh; (2) Một xã hội rất giàu có nhưng "trọc phú"; (3) Một xã hội vừa nghèo đói, vừa mông muội. Kịch bản nào là nằm ở sự lựa chọn của mỗi quốc gia, mà một trong những yếu tố quan trọng là tùy thuộc vào cách thức mà quốc gia đó hành xử với quyền sở hữu trí tuệ.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ do vậy có ý nghĩa lớn lao và quan trọng. Nó không chỉ đơn giản là bảo vệ một cá nhân hay bảo vệ một tổ chức nào đó, mà chính là bảo vệ nguồn tài nguyên trí tuệ (khác với nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn tài nguyên cơ bắp), nguồn tài nguyên quan trọng nhất cho sự phát triển hùng mạnh của bất cứ quốc gia nào trong thời đại ngày nay.

Sẵn sàng lấy những thứ... không thuộc về mình

Có thể tạm phân chia những kẻ vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ làm hai nhóm: Nhóm vô tình vi phạm do thiếu hiểu biết và nhóm cố tình vi phạm vì lòng tham lợi nhuận, lòng tham danh tiếng...

Nhóm nào cũng đáng lên án cả, nhưng đối tượng đáng phải nói nhất là nhóm 2, những kẻ được coi hoặc tự coi là người có hiểu biết nhưng vẫn cố tình đạo văn, đạo nhạc, đạo giáo trình, đạo giáo dục, làm hàng giả, hàng nhái... Lòng tham đã biến họ thành những kẻ ngang nhiên, trắng trợn "ăn cắp", sống trên xương máu của người khác, mà không hề tự vấn lương tâm, tự thấy xấu hổ.

Người ta sẵn sàng lấy những thứ không thuộc về mình và nhận những thứ không xứng đáng được nhận. Nếu thực sự có hiểu biết và có giáo dục thì khi làm gì sai con người sẽ tự vấn lương tâm ghê gớm; tự cảm thấy xấu hổ ghê gớm. Vì trong con người chúng ta luôn có một con-người-lương-tâm mà mình làm gì thì có thể không ai biết cả nhưng Trời biết, Đất biết và con-người-lương-tâm đó biết.

Ai tạo ra con-người-lương-tâm? Chỉ có giáo dục đúng nghĩa! Nếu có giáo dục đúng nghĩa, chắc chắn một người khi biết mình không có khả năng sáng tạo thì cũng tự hiểu và tự ngăn cản mình, không cho mình lấy những gì không thuộc về mình, không nhận những gì không xứng đáng nhận. Làm ngược lại với điều đó đồng nghĩa với việc không có lương tâm hoặc con-người-lương-tâm đã chết!

Vấn đề luật pháp cũng là yếu tố quan trọng không kém khiến tình hình vi phạm sở hữu trí tuệ của một quốc gia trở nên bi đát. Thường thì luật pháp có khá đủ, nhưng công tác thực thi và bảo vệ pháp luật còn nhiều hạn chế. Nhưng cũng cần hiểu rằng, 99% thành công của việc bảo vệ sở hữu trí tuệ phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân và của cả toàn dân. Đại văn hào Nga Lev Tolstoy đã có câu nói nổi tiếng, đại ý một quốc gia dù có hệ thống pháp luật hoàn thiện đến mấy đi chăng nữa, cũng chỉ có thể điều chỉnh 1% các mối quan hệ xã hội mà thôi, 99% các mối quan hệ xã hội còn lại được điều chỉnh bằng luân thường đạo lý của xã hội của quốc gia đó.

Ngày 2/8/2006, chỉ sau 12 ngày tại vị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Phát triển nhân lực Hàn Quốc Kim Byong Joon phải từ chức do tin đồn ông đã đạo văn trong một báo cáo nghiên cứu của mình.

Vụ bê bối bắt đầu từ một bài báo tố cáo ông Kim đạo luận văn của một sinh viên khoảng 20 năm trước đó, lúc ông đang giảng dạy môn Khoa học Chính trị tại Đại học Kookmin ở Thủ đô Seoul.

Thế nhưng, nhìn vào nhiều quốc gia hiện nay, có thể thấy xã hội cũng chưa phản ứng một cách đủ mạnh đối với vấn nạn ăn cắp chất xám. Ở một số nước, nếu một người nào đó bị phát hiện ăn cắp sáng tạo thì coi như sự nghiệp của họ cũng tiêu tan luôn mà không cần phải có luật pháp nào phán xử. Một xã hội thực sự bảo về quyền sở hữu trí tuệ là một xã hội mà đại đa số người dân và đặc biệt là giới học thuật, giới sáng tác và giới sáng chế hiểu sâu sắc vấn đề này. Chính họ sẽ ném sự khinh bỉ và sự phẫn nộ vào những kẻ vô tình hoặc cố ý "ăn cắp" quyền sở hữu trí tuệ.

Có 3 tòa án...

Phán xử những kẻ ăn cắp sáng tạo, ăn cắp trí tuệ là 3 tòa án: "Tòa án lương tâm", "Tòa án xã hội" và "Tòa án nhà nước". Vậy xây dựng và vận hành 3 "tòa án" đó như thế nào để chống lại hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ?

Giáo dục tiến tới nâng cao nhận thức của xã hội và ý thức công dân về sở hữu trí tuệ là giải pháp căn cơ nhất. Giáo dục đúng cách sẽ tạo ra những con nguời phát triển hài hòa với đầy đủ phẩm giá, hay nói cách khác là những con người có lương tâm. Đó là những người biết lỗi, biết ơn, biết tôn trọng người khác, biết phân biệt đúng sai, phải trái, hay dở, tốt xấu...biết xấu hổ, nhất là biết tự xấu hổ.

Cũng chính giáo dục sẽ tạo cho người dân thói quen tôn trọng sở hữu trí tuệ và thông lệ muốn có sản phẩm trí tuệ thì phải mua và thậm chí sẵn lòng mua với giá cao. Họ sẽ thanh thản và vui vẻ cảm thấy rằng bỏ tiền mua sản phẩm trí tuệ không phải chỉ là mua một sản phẩm hữu hình nào còn là mua danh dự, mua uy tín cho cá nhân mình, tổ chức mình.

Với những con người đúng nghĩa như vậy, chúng ta sẽ xây dựng được một xã hội biết trân quý, tôn vinh những người có khả năng sáng tạo, sáng tác, sáng chế đồng thời biết lên án, phẫn nộ, biết tẩy chay, tiêu diệt những kẻ ăn cắp trí tuệ, ăn cắp sáng tạo.

Cuối cùng, luật pháp cần phải đủ mạnh, đủ sức răn đe, ngăn chặn và được thực thi một cách nghiêm minh. Đặc biệt trong bối cảnh "tòa án lương tâm" và "tòa án xã hội" đang rất hạn chế như hiện nay ở một số nước thì pháp luật hay còn gọi là "tòa án nhà nước" phải là lực lượng tiên phong hoặc là chốt chặn cuối cùng nhằm loại trừ tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bừng sáng hay lụi tàn?

Có thể hình dung về bức tranh tuyệt vời, sống động của một xã hội mà ở đó quyền sở hữu trí tuệ được tôn trọng và bảo vệ rất tốt. Khi đó, mọi công dân, mọi tổ chức mỗi khi sáng tạo ra cái gì hay, cái gì mới, cái gì có giá trị đều ngay lập tức tìm cách để chia sẻ, lan tỏa cho mọi người, cho xã hội mà không sợ bị ai ăn cắp. Nền tri thức, nền sáng tạo, nền học thuật, nền nghệ thuật của xã hội nhờ đó sẽ được bồi đắp lên mãi, từ đó thúc đẩy xã hội phát triển và văn minh nhanh chóng.

Ngược lại, nếu sự sáng tạo bị đe dọa như hiện nay, ít ai muốn nghĩ tới sáng tạo, nếu có sáng tạo thì cũng không ngu dại gì chia sẻ với người khác, vì ngay lập tức nó sẽ không còn là của mình nữa, thậm chí còn bị vu cho là ăn cắp chính những cái mà mình đã sáng tạo ra. Đó thực sự là một nỗi đau khủng khiếp!

Lan tỏa, chia sẻ những sản phẩm sáng tạo như tri thức, sáng chế, nghệ thuật...là nhu cầu, niềm hạnh phúc của những chủ thể sáng tạo. Nó tựa như hành động "chia lửa" để cùng thắp sáng thân phận của một con người, tương lai của một tổ chức và tiền đồ của cả một dân tộc. Ngược lại, khi hành động đó không được bảo hộ, "lửa" càng chia thì càng lụi tàn đi và cuối cùng tắt ngóm, nhấn chìm mọi cá nhân, tổ chức và toàn xã hội trong u mê, mịt mù...

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, do vậy, phải là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá một xã hội văn minh hay mông muội, là căn nguyên, nguồn gốc và động lực cho nền sáng tạo và sự phát triển. Cuối cùng, đó cũng là tiêu chí để mỗi quốc gia hoặc là có thể tự hào khẳng định mình là một quốc gia sáng tạo hay nhục nhã hèn kém trong tư thế của một quốc gia "ăn cắp"!

Ở nhiều quốc gia văn minh, ngay trên ghế nhà trường, học sinh, sinh viên đã được học, được thực hành về quyền sở hữu trí tuệ một cách rất bài bản và nghiêm khắc. Mọi bài thi, công trình, luận văn, luận án…sẽ bị đánh trượt và bị lên án nặng nề nếu như bị phát hiện là “đạo” của người khác mà không có xuất xứ, chú thích.

Giản Tư Trung (Theo VietnamNet)

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 372