Trung hòa Carbon là gì? Phân biệt trung hòa Carbon và Net Zero

Tổng lượng khí thải CO₂ năm 2023 toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch và công nghiệp đạt 37,01 tỷ tấn (GtCO₂) và dự báo sẽ tăng 1,08% vào năm 2024, đạt mức kỷ lục 37,41 GtCO₂. Kể từ năm 1990, lượng khí thải CO₂ toàn cầu đã gia tăng hơn 60%, chủ yếu do tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và sự mở rộng của công nghiệp. Chính vì vậy, Trung hòa Carbon trở thành một mục tiêu quan trọng trong hành trình giảm thiểu tác động của con người lên môi trường. 

Carbon Dioxide (CO2) là gì?

Carbon Dioxide (ký hiệu: CO2) là một khí vô hình, không màu và không mùi, thuộc nhóm khí nhà kính. Nó được tạo ra chủ yếu từ các quá trình đốt cháy các nguồn nhiên liệu chứa Carbon như than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên, cũng như từ các hoạt động sinh học như hô hấp của động vật và thực vật. Trong tự nhiên, CO2 có mặt trong khí quyển và đóng vai trò quan trọng trong chu trình Carbon toàn cầu, nhưng sự gia tăng quá mức của nó do hoạt động của con người đang tạo ra các vấn đề về biến đổi khí hậu.

Carbon Dioxide chủ yếu được sản sinh trong hai quá trình chính:

  • Quá trình tự nhiên: CO2 được tạo ra trong quá trình hô hấp của động vật và thực vật, sự phân hủy hữu cơ của chất thải sinh học và các hoạt động núi lửa.

  • Quá trình nhân tạo: Đáng kể nhất là từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch trong các nhà máy điện, giao thông vận tải và các ngành công nghiệp. Khi các nhiên liệu như than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên bị đốt cháy, Carbon trong chúng kết hợp với oxy trong không khí để tạo ra CO2. Ngoài ra, quá trình sản xuất xi măng và các hoạt động công nghiệp khác cũng là nguồn phát thải lớn CO2.

carbon dioxide là gì
Carbon Dioxide là chất được thải ra từ quá trình hô hấp, đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và hoạt động công nghiệp

Trung hòa Carbon là gì?

Trung hòa Carbon (Carbon Neutral) là quá trình cân bằng lượng khí thải Carbon dioxide (CO2) phát thải vào khí quyển với lượng Carbon được hấp thụ hoặc giảm thiểu thông qua các biện pháp như tái tạo rừng, sử dụng năng lượng tái tạo hay các sáng kiến bù đắp Carbon khác. Mục tiêu của trung hòa Carbon là giảm thiểu tác động tiêu cực của con người đối với biến đổi khí hậu bằng cách đảm bảo rằng lượng khí thải CO2 trong một tổ chức, quốc gia hay một hoạt động cụ thể không vượt quá mức có thể được bù đắp. Trung hòa Carbon có thể được đạt được thông qua việc giảm thiểu lượng khí thải và đầu tư vào các chương trình giảm phát thải Carbon như dự án bảo tồn rừng, năng lượng sạch hoặc công nghệ thu giữ và lưu trữ Carbon (CCS).

Việc đạt được trung hòa Carbon là một bước quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Các công ty và chính phủ đã và đang cam kết đạt Net Zero để góp phần vào việc giảm tốc độ nóng lên toàn cầu. Quá trình này không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn giúp các tổ chức đạt được các tiêu chuẩn phát triển bền vững và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp thân thiện với môi trường.

trung hòa carbon là gì
Trung hòa carbon là trạng thái cân bằng khi lượng khí CO₂ thải ra bằng các biện pháp giảm phát thải hoặc hấp thụ carbon

Tầm quan trọng của trung hòa Carbon

Trung hòa Carbon đóng vai trò quan trọng trong việc kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Giảm tác động của biến đổi khí hậu

Một trong những lý do chính khiến trung hòa Carbon trở nên quan trọng là khả năng giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Các chuyên gia dự đoán rằng, nếu CO2 tiếp tục được phát thải và tăng như trong nửa thế kỷ qua, nhiệt độ thế giới sẽ ấm hơn 4°C so với thời kỳ trước Cách mạng Công nghiệp vào năm 2099. Khi đó, sẽ xuất hiện các hiện tượng như: Các tảng băng tan chảy và đại dương ấm lên, khiến mực nước biển dâng cao, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, mưa lớn và cháy rừng, những thay đổi về nơi mà các quần thể động vật hoang dã khác nhau có thể sống và tồn tại, việc tiếp cận thực phẩm bị gián đoạn, sự gia tăng lây lan các bệnh tật như sốt rét,...

Do đó, các hành động trung hòa Carbon đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu lượng CO2 trong khí quyển, thông qua các biện pháp bù đắp hoặc cắt giảm phát thải. Những nỗ lực này không chỉ góp phần duy trì nhiệt độ toàn cầu dưới ngưỡng 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp mà còn hướng tới mục tiêu đầy là hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5°C (Mục tiêu chính trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu).

Thúc đẩy phát triển bền vững

Trung hòa Carbon không chỉ là giải pháp để ổn định nhiệt độ toàn cầu mà còn là kim chỉ nam cho hành trình phát triển bền vững của nhân loại. Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc được thiết lập vào năm 2015, đại diện cho lời kêu gọi hành động chung nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo thịnh vượng cho tất cả mọi người vào năm 2030. Trong số 17 mục tiêu toàn cầu có liên quan với nhau, trung hòa Carbon gắn chặt với một số mục tiêu, đáng chú ý nhất là SDG 13 - "Hành động vì khí hậu".

Bằng cách giảm lượng khí thải Carbon và tăng cường các giải pháp cô lập Carbon như trồng rừng và áp dụng nông nghiệp bền vững, trung hòa Carbon góp phần trực tiếp vào việc ngăn chặn những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Từ đó, hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng cao và tạo tiền đề để đảo ngược những thiệt hại đã xảy ra. 

Tiếp đó là, SDG 7 – "Năng lượng Sạch và Giá cả phải chăng". Việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện là một trong những yếu tố cốt lõi để đạt được mục tiêu này. Không chỉ giúp giảm phát thải, sự thay đổi này còn đẩy mạnh cơ sở hạ tầng năng lượng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế và giảm thiểu chi phí năng lượng dài hạn. Thúc đẩy năng lượng sạch không chỉ đóng góp vào việc đạt được trung hòa Carbon mà còn hỗ trợ quá trình xây dựng một nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Tăng cường uy tín và cam kết bền vững

Trung hòa Carbon cũng giúp các quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp xây dựng được uy tín và hình ảnh tích cực trong cộng đồng quốc tế. Việc cam kết trung hòa Carbon thể hiện trách nhiệm và sự cam kết đối với mục tiêu bảo vệ môi trường toàn cầu, đồng thời đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường tiêu dùng và nhà đầu tư về tính bền vững. Các công ty áp dụng chính sách trung hòa Carbon thường được đánh giá cao hơn và có khả năng thu hút đầu tư từ những quỹ đầu tư tập trung vào phát triển bền vững, trong khi các quốc gia thực hiện cam kết này cũng có thể nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế trong việc phát triển các công nghệ sạch và năng lượng tái tạo.

Cải thiện chất lượng cuộc sống

Trung hòa Carbon không chỉ tác động đến môi trường mà còn mang lại lợi ích rõ rệt về sức khỏe và phúc lợi xã hội. Các thành phố áp dụng giải pháp này sẽ thấy sự cải thiện đáng kể về chất lượng không khí, giúp giảm các bệnh liên quan đến hô hấp, góp phần vào SDG 3 – "Sức khỏe và Phúc lợi Tốt". Đồng thời, các không gian xanh, hệ thống giao thông công cộng tiên tiến và kiến trúc thân thiện với môi trường không chỉ làm giảm lượng khí thải mà còn xây dựng các đô thị bền vững hơn, phù hợp với SDG 11 – "Các Thành phố và Cộng đồng Bền vững". Trung hòa Carbon, do đó, trở thành một giải pháp toàn diện, giúp cải thiện cả môi trường sống lẫn chất lượng sống của con người.

tầm quan trọng của trung hòa carbon
Trung hòa Carbon giúp thúc đẩy phát triển bền vững cho con người và hành tinh

Biện pháp đạt hiệu quả trung hòa Carbon

Giảm phát thải

Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giảm phát thải Carbon là chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện và sinh khối. Những nguồn năng lượng này không chỉ làm giảm lượng khí thải CO2 mà còn giúp xây dựng một hệ thống năng lượng sạch và bền vững hơn. 

Các doanh nghiệp và quốc gia có thể đầu tư vào việc phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, khuyến khích sử dụng điện năng lượng mặt trời trong hộ gia đình hoặc thiết lập các trang trại gió quy mô lớn. Qua đó, góp phần vào trung hòa Carbon và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, giúp giảm chi phí năng lượng dài hạn.

Tuy nhiên, quá trình giảm phát thải còn đòi hỏi sự đổi mới trong công nghệ và tối ưu hóa các quy trình công nghiệp. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng áp dụng các công nghệ sản xuất sạch, cải thiện hiệu suất năng lượng và cắt giảm khí thải từ chuỗi cung ứng. Ví dụ, sử dụng máy móc hiện đại tiêu hao ít năng lượng hoặc thay thế nguyên liệu truyền thống bằng nguyên liệu tái chế có thể làm giảm đáng kể lượng khí CO2 thải ra môi trường. Đặc biệt, các ngành công nghiệp nặng có thể triển khai công nghệ thu giữ và lưu trữ Carbon (CCS), giúp cô lập CO2 ngay từ nguồn phát thải,... Những giải pháp này không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu trung hòa Carbon mà còn tạo ra lợi thế kinh tế lâu dài, với chi phí vận hành thấp hơn và khả năng cạnh tranh trên thị trường cao hơn. 

Bù đắp Carbon

Bù đắp Carbon (Carbon offsetting) là quá trình bù đắp lượng khí thải Carbon dioxide (CO2) hoặc các khí nhà kính khác bằng cách đầu tư vào các dự án hoặc hoạt động làm giảm hoặc loại bỏ một lượng khí thải tương đương từ khí quyển. Các dự án này thường bao gồm trồng rừng, bảo tồn rừng, phát triển năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời, gió) hoặc hỗ trợ các công nghệ thu giữ và lưu trữ Carbon.

Cơ chế bù đắp Carbon hoạt động dựa trên nguyên tắc: nếu không thể giảm hoàn toàn lượng khí thải của mình, các cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp có thể đầu tư vào các dự án giúp giảm phát thải ở nơi khác, nhằm cân bằng lượng phát thải của mình. Đây là một trong những chiến lược quan trọng để đạt mục tiêu trung hòa Carbon, đồng thời hỗ trợ sự chuyển đổi toàn cầu sang một nền kinh tế bền vững hơn.

Chuyển đổi mô hình kinh tế

Theo các nghiên cứu, việc chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn có thể giảm đến 39% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Nền kinh tế tuần hoàn tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng tài nguyên, thay vì sử dụng và vứt bỏ. Việc giảm thiểu chất thải, tái chế và tái sử dụng giúp giảm việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và giảm phát thải CO2 từ các hoạt động sản xuất. Các công ty và tổ chức cũng có thể áp dụng mô hình sản xuất bền vững, giảm thiểu sử dụng nguyên liệu, đồng thời tối ưu hóa các quy trình sản xuất để giảm lượng khí thải. 

Ngoài ra, để thúc đẩy chuyển đổi toàn diện, các quốc gia và doanh nghiệp cần phát triển các chính sách và chương trình khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững. Việc lựa chọn các sản phẩm có hàm lượng Carbon thấp, hạn chế lãng phí và thúc đẩy tiêu dùng thông minh là những biện pháp quan trọng. Những chiến lược này không chỉ giảm thiểu phát thải mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững trong xã hội.

biện pháp đạt trung hòa carbon
Có thể ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để trung hòa Carbon

Một số định nghĩa liên quan khác

Carbon Negative (Âm Carbon)

Carbon Negative là khái niệm mô tả một trạng thái mà trong đó lượng khí Carbon dioxide (CO2) được loại bỏ khỏi khí quyển nhiều hơn so với lượng CO2 được phát thải trong suốt một quá trình, hoạt động hoặc chuỗi giá trị sản xuất. Điều này có nghĩa là không chỉ trung hòa Carbon (cân bằng giữa phát thải và bù đắp), mà còn đạt được mức độ giảm thiểu tác động môi trường vượt quá mức phát thải ban đầu.

Carbon Free (Không Carbon)

Carbon Free mô tả trạng thái không phát thải khí Carbon dioxide (CO2) trong suốt quá trình sản xuất, tiêu thụ hoặc hoạt động. Khi một sản phẩm, dịch vụ hoặc tổ chức được gọi là "Carbon free", có nghĩa là tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng, sản xuất và tiêu thụ của nó không tạo ra CO2 hoặc bất kỳ khí nhà kính nào khác.

Dấu chân Carbon

Dấu chân carbon (Carbon Footprint) là tổng lượng khí nhà kính được tạo ra bởi hành động của con người trong cuộc sống hàng ngày như đi lại, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm,.... Nó bao gồm các chất Carbon Dioxide (CO2), Metan (CH4), Nito oxit (NO2), Flo (F),... Mỗi cá nhân, doanh nghiệp hoặc quốc gia đều có dấu chân carbon riêng, phản ánh mức độ tác động của họ đối với môi trường. Giảm dấu chân carbon là một trong những cách hiệu quả để đối phó với biến đổi khí hậu. 

dấu chân carbon
Dấu chân Carbon càng nhỏ càng ít tác động tiêu cực đến môi trường

Trung hòa Carbon và Net Zero khác nhau như thế nào?

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, các thuật ngữ như "Trung hòa Carbon" và "Net Zero" đang ngày càng thu hút sự chú ý của cả doanh nghiệp, chính phủ và cộng đồng toàn cầu. Dù có sự tương đồng về mục tiêu giảm thiểu khí thải Carbon, nhưng giữa hai khái niệm này vẫn tồn tại sự khác biệt:

Đặc điểm

Trung hòa Carbon

Net Zero

Khái niệm

Đạt được sự cân bằng giữa lượng khí Carbon Dioxide (CO2) phát thải ra và lượng khí CO2 được loại bỏ hoặc giảm bớt.

Cân bằng giữa lượng khí nhà kính thải ra và lượng khí được loại bỏ hoặc giảm bớt.

Loại khí

Chủ yếu tập trung vào khí CO2

Bao gồm tất cả các loại khí nhà kính (CO2, methane, nitrous oxide,...)

Phạm vi

Chủ yếu từ sản xuất và sử dụng nguồn năng lượng sạch

Toàn bộ chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ, bao gồm cả phát thải gián tiếp.

Phương pháp đạt được

Giảm phát thải CO2 và bù đắp bằng các dự án hấp thụ carbon (ví dụ: trồng rừng).

Giảm phát thải tất cả các loại khí nhà kính về mức thấp nhất có thể và bù đắp phần còn lại bằng các dự án hấp thụ carbon.

Độ khó

Thấp hơn

Cao hơn

Mục tiêu cuối cùng

Giảm thiểu tác động của CO2 lên khí hậu

Giảm thiểu tổng thể tác động của các khí nhà kính lên khí hậu

Ví dụ thực tế

Một công ty hoặc quốc gia có thể giảm phát thải CO2 từ hoạt động sản xuất và bù đắp bằng cách trồng cây hoặc mua tín chỉ Carbon.

Một quốc gia hoặc công ty đặt mục tiêu loại bỏ toàn bộ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động sản xuất, giao thông,...


Trung hòa Carbon là một mục tiêu quan trọng và cần thiết trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Việc giảm thiểu và bù đắp lượng khí thải CO2 không chỉ giúp ổn định nhiệt độ toàn cầu mà còn tạo cơ hội cho sự phát triển bền vững và công bằng hơn trên toàn thế giới. Chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân cần chung tay hành động để đạt được mục tiêu này, đồng thời áp dụng những chiến lược và công nghệ phù hợp, hướng tới một tương lai xanh và sạch hơn.

Chương trình đào tạo

CPO - GIÁM ĐỐC SẢN XUẤT
CPO - Chief Production Officer

Đưa những công nghệ quản lý sản xuất tiên tiến nhất và hiệu quả nhất của các tập đoàn hàng đầu thế giới
vào doanh nghiệp của mình (bất kể là doanh nghiệp lớn, hay vẫn còn ở quy mô vừa và nhỏ).

Hiểu biết sâu rộng về TQM; R&D; SCM; HSSE và mọi khía cạnh Quản trị Sản xuất của CPO toàn diện.

Vui lòng xem thông tin chương trình
tại đây

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 379